TIÊU ĐIỂM KINH TẾ:

‘Soi’ việc làm ăn của đại gia xăng dầu; điều tra tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp

TPO - Sửa đổi 13 luật có nhiều vướng mắc, bất cập; 3.400 doanh nghiệp bị điều tra về tiền lương; kiểm tra một 'đại gia' xăng dầu nổi tiếng... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Thủ tướng: Sửa đổi 13 luật có nhiều vướng mắc, bất cập

Chiều 7/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Bộ Tư pháp, qua rà soát cho thấy có nhiều vướng mắc mang tính cấp bách tại 13 luật cần xử lý để tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

‘Soi’ việc làm ăn của đại gia xăng dầu; điều tra tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Nhật Bắc.

Trong đó, Luật Đầu tư có 4 nhóm nội dung; Luật Đầu tư công có 7 nhóm nội dung; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) có 5 nhóm nội dung; Luật Doanh nghiệp có 1 nội dung, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch có 10 nhóm nội dung; Luật Ngân sách Nhà nước có 5 nhóm nội dung; Luật Quản lý thuế có 5 nhóm nội dung; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có 9 nhóm nội dung; Luật Kế toán có 7 nhóm nội dung; Luật Dự trữ quốc gia có 2 nhóm nội dung; Luật Kiểm toán độc lập có 7 nhóm nội dung; Luật Chứng khoán có 8 nhóm nội dung.

Kết luận cuộc họp Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo là việc rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, tạo đột phá, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu không 'tiêu' hết vốn chương trình phục hồi KT-XH

Quốc hội đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2024. Như vậy, chỉ còn 5 tháng để các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện giải ngân toàn bộ vốn của chương trình. Tỷ lệ giải ngân đã đạt hơn 78%.

‘Soi’ việc làm ăn của đại gia xăng dầu; điều tra tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp ảnh 2
Bộ KH&Đ vừa có công điện hỏa tốc về việc đẩy mạnh giải ngân các dự án thuộc chương trình phục hồi.

Bộ trưởng KH&ĐT đề nghị người đứng đầu các cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án. Đồng thời, các đơn vị phải báo cáo, làm rõ tình hình phân bổ, giải ngân dự kiến đến hết năm.

“Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp chậm trễ, không giải ngân hết số vốn thuộc chương trình”, Bộ trưởng KH&ĐT nêu rõ.

Về giải ngân đầu tư công, Bộ KH&ĐT cho biết, đến hết tháng 7, tỷ lệ thực hiện đạt gần 35% kế hoạch, giảm so với cùng kỳ năm trước (37,8% kế hoạch). Cả nước còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước.

3.400 doanh nghiệp bị điều tra về tiền lương

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ TB&XH) sẽ tiến hành điều tra về lao động, tiền lương trong doanh nghiệp (DN) trên phạm 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước. Các địa phương này có số lượng DN lớn, thị trường lao động phát triển.

Các vùng trong danh sách điều tra tiền lương gồm: Vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc); vùng Đông Bắc (Quảng Ninh); vùng Tây Bắc (Hòa Bình); vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An); vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Đà Nẵng, Khánh Hòa); vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk); vùng Đông Nam Bộ (TPHCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Long An, TP Cần Thơ).

Đối tượng điều tra gồm: 3.400 DN; người lao động theo các vị trí chức danh khác nhau đang làm việc tại DN. Bộ LĐTB&XH thu thập các thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh lao động, tiền lương trong DN.

‘Soi’ việc làm ăn của đại gia xăng dầu; điều tra tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp ảnh 3
Bộ LĐ TB&XH điều tra tiền lương trong doanh nghiệp. Ảnh: HC.

Trước đó, ngày 30/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Từ 1/7, lương tối thiểu tháng đối với người lao động theo vùng gồm: vùng I ở mức 4.960.000 đồng/tháng; vùng II mức 4.410.000 đồng/tháng; vùng III mức 3.860.000 đồng/tháng; vùng IV mức 3.450.000 đồng/tháng.

Trả lương hưu, trợ cấp qua tài khoản ở 20 tỉnh thành từ ngày 1/9

Theo bảo hiểm xã hội (BHXH), thời gian qua, ngành BHXH tập trung đảm bảo tất cả các nguồn lực giảm khâu trung gian để chi trả kịp thời nhất chế độ lương hưu và trợ cấp cho người hưởng.

Thống kê cho thấy, trong đợt gần nhất 1/8, cơ quan BHXH đã thực hiện trực tiếp chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng tại BHXH 43 tỉnh, thành phố.

‘Soi’ việc làm ăn của đại gia xăng dầu; điều tra tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp ảnh 4
Từ 1/9, việc chi trả lương hưu và trợ cấp sẽ được thực hiện hoàn toàn qua tài khoản ngân hàng.

Trong giai đoạn đầu chuyển tiếp, có một số vướng mắc về kết nối hệ thống giữa cơ quan BHXH và các ngân hàng. Do đó, một bộ phận người hưởng chưa nhận được tiền chế độ theo lịch chi trả đã được thông báo.

Từ 1/9, ngành sẽ thực hiện chuyển tiền lương hưu và trợ cấp qua tài khoản ngân hàng của người dân tại 20 tỉnh còn lại.

BHXH Việt Nam lưu ý trong trường hợp người hưởng đã kê khai số tài khoản ngân hàng nhưng chưa đúng dẫn đến chưa nhận được tiền của kỳ chi trả tháng 8 cần thông báo thay đổi thông tin để cơ quan BHXH có căn cứ chuyển tiền trợ cấp vào tài khoản cá nhân sớm nhất, đảm bảo quyền lợi người hưởng.

Kiểm tra một 'đại gia' xăng dầu nổi tiếng

Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có quy mô lớn tại miền Bắc là Công ty TNHH Hải Linh, trụ sở tại Phú Thọ.

Liên quan đến điều kiện kinh doanh của Công ty TNHH Hải Linh, Bộ Công Thương có yêu cầu Sở Công Thương Phú Thọ xác minh và cung cấp thông tin về 9 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu và 15 đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của Công ty TNHH Hải Linh trên địa bàn.

Các Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh cũng được Bộ Công Thương đề nghị xác minh, cung cấp thông tin về các đại lý bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống phân phối của Công ty Hải Linh đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh.

‘Soi’ việc làm ăn của đại gia xăng dầu; điều tra tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp ảnh 5
Ông Lê Văn Tám - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Linh (trái) tại buổi lễ ký kết bán 49% cổ phần của Kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo thông tin của PV Tiền Phong, Công ty TNHH Hải Linh có địa chỉ ở khu 2, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu mối nổi tiếng, thuộc hàng lớn nhất ở khu vực phía Bắc và luôn nằm trong nhóm các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn nhất Việt Nam. Có những giai đoạn, Công ty TNHH Hải Linh là một trong 8 doanh nghiệp có doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Dù đạt mức doanh thu và có sự tăng trưởng rất tốt giai đoạn 2017-2019, lợi Công ty Hải Linh lại có xu hướng giảm qua từng năm. Năm 2017 công ty đạt lợi nhuận 469,9 tỷ đồng, năm 2018 giảm xuống còn 423,3 tỷ đồng và 2019 là 449 tỷ đồng.

Ngoài việc bị "bêu tên" vì không nhập khẩu đủ hạn mức phân giao năm 2020, tháng 7/2022, Hải Linh bị xử phạt 60 triệu đồng do phát hiện không gửi đăng ký phân phối xăng dầu định kỳ với Bộ Công Thương theo quy định. Tại thời điểm năm 2022, theo kê khai, công ty có 13 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc, 1 tổng đại lý và 67 đại lý xăng dầu.

Tin liên quan