Các phân xưởng công nghệ của NMLD Dung Quất.
Tỷ suất lợi nhuận/vốn sở hữu lên tới 21%
Theo Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý, vận hành NMLD Dung Quất), sản lượng luỹ kế từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến tháng 8/2017 gần 48 triệu tấn sản phẩm, chiếm 40% nhu cầu xăng dầu cả nước. Luỹ kế tổng doanh thu của BSR đạt gần 40 tỷ USD. Từ khi vận hành thương mại đến nay, nhà máy đã nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư ban đầu (3 tỷ USD).
Dù giá dầu trên thị trường tụt giảm mạnh nhưng BSR vẫn giữ vững hoạt động hiệu quả. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của công ty qua các năm rất cao. Cụ thể, ROE năm 2015 là 21% (lợi nhuận sau thuế là 6.000 tỷ đồng); năm 2016 là 14% (lợi nhuận sau thuế là 5.000 tỷ đồng). Riêng 8 tháng đầu năm 2017, ROE đạt 13,06 %; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROA) đạt 9,44 %.
Hơn nữa, trong cơ cấu tài chính, tỷ lệ nợ vay cũng liên tục giảm xuống do công ty trả dần các khoản nợ gốc vay dài hạn. Năm 2010 khi BSR tiếp nhận nhà máy, dư nợ vay 41.387 tỷ đồng; đến hết quý II/2017, nợ vay chỉ còn 13.555 tỷ đồng. Số nợ gốc vay dài hạn giảm dần đã giúp giảm đáng kể chi phí lãi vay. Cụ thể, năm 2016, tổng lãi vay mà BSR phải chi trả là 605 tỷ đồng, giảm 63% so với năm 2011. Và trong 6 tháng đầu năm 2017, lãi vay giảm tiếp 18% so với cùng kỳ 2016.
Có được tốc độ chi trả như trên là nhờ dòng tiền hoạt động kinh doanh của BSR duy trì tốt qua các năm. Đồng thời, theo chia sẻ của lãnh đạo công ty, BSR đã áp dụng nhiều giải pháp về tài chính như: kết hợp hạn mức tín dụng và tiền gửi kỳ hạn linh hoạt; Cân đối dòng tiền thu chi; Áp dụng giải pháp điều hành dòng tiền mang lại hiệu quả cao nhất. BSR cũng thực hiện nhiều giải pháp để thu xếp ngoại tệ thanh toán kịp thời trong tháng với chi phí thấp và tăng hiệu quả .
“Những năm đầu đi vào vận hành, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 2013 nhà máy bắt đầu vận hành ổn định và ngày càng có hiệu quả. Tính tới cuối năm tài chính 2016, tổng tài sản của công ty đạt 61.319 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản giai đoạn 2013-2016 thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng tài sản dài hạn, giảm tỷ trọng tài sản ngắn hạn”, lãnh đạo BSR cho biết.
Nâng cao quản trị, sẵn sàng IPO thành công
Song song với nâng cao hiệu quả hoạt động, BSR luôn chú trọng quản lý chi phí và giá thành. Công ty áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chi phí từ cách phân loại, phân bổ chi phí, xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh...Cụ thể, BSR đang áp dụng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các đặc điểm của ngành sản xuất đặc thù, nhằm tự động tính toán và kiểm soát các chỉ tiêu kỹ thuật, giá trị sản phẩm, chi phí, cũng như hiệu quả sản xuất.
Theo lãnh đạo BSR, thời gian qua, công suất nhà máy liên tục tăng nhưng tiêu thụ năng lượng nội bộ ngày càng giảm. Chỉ số EII (tỷ lệ giữa tiêu thụ năng lượng thực tế và năng lượng tiêu chuẩn của NMLD) từ năm 2016 của nhà máy đã nằm trong nhóm 3 các nhà máy lọc dầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, tỷ lệ này thuộc nhóm 4. Các chỉ số tin cậy thiết bị, tin cậy vận hành, hệ số lưu chuyển của dòng công nghệ cũng tăng đáng kể so với các năm trước đó. Tính từ 2010 đến nay, BSR đã tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí khoảng 3.499 tỷ đồng.
BSR nỗ lực không ngừng, luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành, bảo dưỡng, luôn tìm cơ hội và đề ra các giải pháp tối ưu hóa sản xuất, tối ưu hóa năng lượng nhằm giảm chi phí sản xuất. So với cùng kỳ năm 2016 BSR đã tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí năng lượng tiêu thụ nội bộ.
Với nhiệm vụ cổ phần hóa, BSR dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) vào cuối năm 2017; Nhà nước sẽ nắm dưới 50% vốn của BSR. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc BSR cổ phần hóa vào thời điểm này là hợp lý. Bởi Chính phủ đang có chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có tầm vóc lớn và Việt Nam đang dần bước vào một nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, BSR cũng đang chuẩn bị triển khai dự án trọng điểm nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Dự án này có tổng mức đầu tư lên đến 1,81 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021 và chính thức hoạt động từ năm 2022.
Sau khi hoàn thành, công suất chế biến dầu thô của nhà máy dự kiến sẽ đạt 8,5 triệu tấn/năm và chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn EURO V. Đồng thời, độ linh động lựa chọn dầu thô của công ty cũng nâng cao, không còn phụ thuộc vào nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ.
Luỹ kế tổng doanh thu của BSR đạt gần 40 tỷ USD. Từ khi vận hành thương mại đến nay, nhà máy đã nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư ban đầu (3 tỷ USD).