'Soi' kỹ thiết bị, ngăn tiêu cực thi đại học đợt 2

'Soi' kỹ thiết bị, ngăn tiêu cực thi đại học đợt 2
TP - Sáng 8/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã làm việc tại ĐH Đà Nẵng, kiểm tra phòng thi, trực tiếp căn dặn cán bộ coi thi, thí sinh về quy chế, vật dụng mang vào phòng thi.

> Thi đợt 2: Sĩ tử lại kìn kìn đổ về thành phố
> Sĩ tử đổ về Văn Miếu sờ đầu rùa cầu đỗ đại học

“Siết” giám sát

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đợt 1 tổ chức chuyên nghiệp, nề nếp, kỳ thi diễn ra suôn sẻ, không có sự cố bất thường. Ở đợt 2 này, không được chủ quan.

Trực tiếp kiểm tra các phòng, điểm thi CĐ Công nghệ Đà Nẵng, THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng)..., Thứ trưởng Ga “trắc nghiệm” quy định về xử lý thí sinh vi phạm quy chế với cán bộ coi thi và thí sinh. Thí sinh mang điện thoại mà không lắp sim, không hoạt động cũng lập tức bị đình chỉ.

Theo PGS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đợt 2 ĐH Đà Nẵng rút kinh nghiệm, in những điều cần lưu ý trên tờ A4, phát cho mỗi phòng thi để cán bộ nhắc nhở thật kỹ thí sinh trước khi bước vào thi; đồng thời tổ chức điểm giữ điện thoại di động cho thí sinh. “Với đặc thù đợt 2, các hiện tượng tiêu cực trong phòng thi sẽ biến tướng rất nhiều cách, những trường hợp mang thiết bị tinh vi vào phòng thi, sử dụng tài liệu, thi hộ... đều có thể xảy ra, nếu không được giám sát chặt, kịp thời”, Thứ trưởng Ga nói.

Năm nay, lần đầu tiên Thanh tra Bộ GD&ĐT lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tiêu cực trong thi cử; ngoài bộ phận trực thanh tra, Bộ tổ chức 11 đoàn thanh tra lưu động đột xuất kiểm tra các điểm thi. Thứ trưởng Ga yêu cầu cán bộ coi thi làm đúng chức trách nhiệm vụ, chú ý từ thao tác nhỏ nhất, đặc biệt trực tiếp đối chiếu ảnh thí sinh vào phòng thi và trong quá trình thi, giám sát kỹ và kịp thời xác minh nếu có nghi ngờ.

Bóc nhầm đề, hậu quả nghiêm trọng

Thí sinh nhập phòng thi sáng 8/7. Ảnh: Ngọc Châu
Thí sinh nhập phòng thi sáng 8/7. Ảnh: Ngọc Châu.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định: So với kỳ thi đợt 1, đợt 2 này phức tạp hơn, vì có nhiều khối thi và nhiều môn thi. Lịch thi các môn có sự thay đổi so với những kỳ tuyển sinh trước đây. Mỗi buổi thi nhận nhiều bộ đề các môn khác nhau. Nguy cơ mở nhầm đề thi giữa các khối, các môn là rất dễ xảy ra.

Đặc biệt, ở điểm thi có nhiều môn, khối thi khác nhau. Bộ có phương án sử dụng đề thi phòng, nhưng ảnh hưởng của sai sót này là rất lớn. Để hạn chế sự cố đáng tiếc có thể xảy ra này, khi mở đề thi các cán bộ coi thi phải làm đúng quy trình, từ thao tác nhỏ nhất. Bộ đã có hướng dẫn, cách ghi chú trên mỗi túi đề để tránh sai sót.

Theo thầy Trần Văn Nam, gần 1.700 cán bộ được ĐH Đà Nẵng huy động phục vụ công tác coi thi đợt 2. Trong đó, 100% là cán bộ, giáo viên không sử dụng sinh viên năm cuối.

Thí sinh trung bình có thể đạt 5-6 điểm

Theo ông Ga, ở đợt 2 này, Bộ tiếp tục theo xu hướng ra đề không quá khó, không đánh đố, không quá dài và có tính phân loại cao. Những câu phân loại để phân loại thí sinh học lực khá giỏi nên với cách ra đề thi hiện nay, điểm thi đại học chắc chắn sẽ không có quá nhiều điểm tuyệt đối (10 điểm) và cũng không có nhiều điểm liệt, điểm quá thấp.

Thí sinh học lực trung bình vẫn có thể đạt được từ 5-6 điểm. Những môn xã hội, đề thi tiếp tục thể hiện tính thời sự, nhân văn, gây hiệu ứng với thí sinh, xã hội.

Một số câu hỏi đề Toán (xác suất), đề Lý (điện xoay chiều) và câu hỏi mang tính ứng dụng, gắn với thực tiễn, thí nghiệm (đề Hóa) thực chất đều nằm trong chương trình kiến thức cơ bản SGK. Đề thi bám sát chương trình. Đây là những dạng câu hỏi ít khi xuất hiện, nhưng mục đích của Bộ lồng ghép yêu cầu kiến thức vào đề thi.

Thí sinh hay căn cứ cách ra đề những năm gần đây để học tủ, ôn tủ. Điều này không còn phù hợp. Với cách ra đề hiện nay, thí sinh cần nắm kiến thức đều, không học tủ, học lệch mới có thể làm tốt yêu cầu đề bài.

Bộ trưởng nhận được nhiều cảnh báo

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh: Hồ Thu
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh: Hồ Thu.
 

Trong đợt I kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, hộp thư nóng của Bộ trưởng (pvluan@moet.edu.vn) nhận được bao nhiêu câu hỏi, nội dung xoay quanh những vấn đề nào?

Tôi nhận được nhiều cảnh báo về các thiết bị công nghệ cao mới xuất hiện có thể sử dụng gian lận trong thi cử. Cũng có người cung cấp cho tôi những lo lắng ở trường này trường kia có thể có tiêu cực (cùng với ý kiến cho rằng tại những trường này năm trước cũng đã có dư luận tương tự); hay thông tin về trung tâm luyện thi ĐH chỗ này chỗ kia đã đoán đề thi sẽ ra như thế nào kèm với khuyến cáo chúng tôi đừng ra đề vào chỗ đó… Qua đợt thi đầu tiên, đến nay tôi chưa nhận được thông tin phản ánh trực tiếp có hiện tượng tiêu cực ở phòng thi, điểm thi cụ thể nào.

Bộ trưởng đã xử lý các câu hỏi đó như thế nào?

Sau khi nhận và xử lý thông tin, tôi đều trao đổi với các đồng chí có trách nhiệm ở cơ quan Bộ hoặc với các đồng chí lãnh đạo các địa phương và các nhà trường liên quan để cùng nhau lưu tâm, xử lý công việc kịp thời. Bên cạnh đó, từ thực tiễn, tôi nhận thấy những ý kiến được phản ánh qua các cơ quan thông tin đại chúng là một trong những kênh rất quan trọng, giúp cho cá nhân tôi nắm bắt tình hình kịp thời, chắc hơn và cụ thể hơn.

Chân thành cảm ơn ông!

Hồ Thu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG