Soi chung gương mặt đàn bà

Soi chung gương mặt đàn bà
TP - Tôi đến mua mảnh đất nhỏ, dựng ngôi nhà nhỏ gần nhà ông Ta đã được hai năm. Ông Ta dẫu tóc bạc quá nửa, răng rụng ba phần, đầu gối khô dầu khô mỡ nhưng thỉnh thoảng vẫn lên phố cà kê.

> Về quê
> Họp nhiều thành yêu tinh

Minh họa: NGuyễn Văn Hổ
Minh họa: NGuyễn Văn Hổ.

Vay nợ, chỉ dám mua đất rẻ, xa. Quãng đường từ nhà tới cơ quan khá vất vả. Đường ổ gà ổ chó xen nhau. Honda muốn nhanh rất khó, đã vậy mấy thằng cha lái xe tải chạy như cướp. Chả là gần chỗ tôi có nhà máy trộn bê tông, xe tải vô ra nườm nượp. Chúng chả còi kiếc gì, cứ ù ù mà đi. Không nhanh tay bẻ lái khỏi lề, không bị hất cũng chìm trong bụi mù hoặc lấm lem bùn nhão.

Bực nhất vẫn là cái “ổ voi” chếch trước cổng nhà thờ Họ. Ổ voi quanh năm có nước, mùa đông ngập có khi đến háng, mùa xuân thu lắp xắp trên mắt cá chân. Xe phải rì lại, người chồm phía trước rà phanh mà ga không giảm. Có xe tải chở hồ bê tông dứt khoát phải nhường cho nó lội trước, khi mặt nước phẳng lặng mới dò dẫm chọn đoạn phình trướng ra gần với con mương như bờ vực phía dưới mà qua.

Mới nhập cư tôi quyết khăng khăng lên ủy ban phường ý kiến về cái ổ voi, lần lữa mãi, rồi nhờn rồi nhác, rồi an phận thủ thường chẳng muốn mất lòng lãnh đạo trong đó có con dâu ông Ta. Cái nể nang khiến con người trở thành kẻ thỏa hiệp (tất nhiên vấn đề này chưa hẳn xấu, chỉ là do kinh phí của phường hạn chế).

Đôi lúc tôi tự hỏi, tại sao cái thằng cha trưởng thôn kiêm trưởng Họ không vận động bà con kể cả cán bộ như tôi ngày nghỉ vác cuốc xẻng gồng gánh ra xúc đất đá lấp lại? Ai chứ gã Chinh ấy tôi nói được. Ý nghĩ nảy sinh, tôi qua ông Ta tập dượt trước những gì tôi sẽ nói với gã với tư cách cán bộ cấp Sở ý kiến cán bộ cấp phường.

Ông Ta cười cười, rót trà nguội bảo uống tạm. Chập choạng, một trong hai con chó nhỏ của ông sủa khan bóng ai ngoài đường. Ông nạt rồi quay qua tôi, nhìn tôi mờ mờ nhân ảnh. Mất điện. Đi hè, mi tau lên phố cà-kê hè. Nghe bảo mất điện đến chín giờ, ngủ không được đâu.

Tôi nhăn trán, cha này hoang dữ? Lại còn lờ chuyện nghiêm túc mình nêu nữa. Tôi nhắc lại việc cấp bách lấp cái ao ngoài đường. Ông lại làm lơ, bảo mụ Thi hồi nãy tau thấy ăn diện như gái tân. Mụ qua bắng nhắng dăng tay xoay tròn hỏi con có đẹp không ông. Tau mới ngắm nghía đã đời rồi, “kể ra đẹp thì khỏi bình luận, mà giá như mặt chị meo méo chút”... A ha! Tròn như bánh đa, mặt nào ao nấy, dưới trên khuôn một lấy gì đẹp phải không mi?

Sốt ruột. Sắp đến giờ thời sự, cái gã Chinh đã ăn tối xong, tôi phải tới đó lên mặt nhắc nhở về cái ổ voi. Gã sống gần nhà thờ Họ, cái ổ voi chỉ cách đoạn ngắn, trưởng Họ làm ăn kiểu gì thế. Cười gượng, tôi hỏi lâu nay ông có tới nhà thờ Họ không. Ông vẫn cười… Trời, ông vẫn miên man quỷ quái trong đầu, nghe tôi nói như nước đổ đầu ngan. Cái đầu ông là đầu ngan.

Tôi nhớ tới cái ao (không biết vì đâu tôi gọi cái ổ voi thành ao). Ghìm mặt. Ông! Cái ao giữa đường trước nhà thờ Họ ngó gai con mắt lắm. Ao như cái vỏ ngao đĩ điếm…

Này, bậy con! Mặt ông Ta đổi sắc, nghiêm, tôi nhận rõ nhờ ánh sáng mơ hồ của đèn bát từ phía nhà mụ Đảnh bên kia hàng rào. Cái ao ấy, phường đang tính lập hồ sơ di tích văn hóa đấy.

Há! Tôi thiếu nước hét lên, trợn mắt cho lồi ra. Nhưng sắc mặt ông đã khiến như chính tôi đang vẽ bậy lên di tích. Ông Ta trầm lại, đã thanh tẩy toàn bộ ý nghĩ xấu để kể về sự tích cái ao trước nhà thờ Họ…

Sự thật trăm phần trăm. Tau theo cách mạng, sau bị ngụy bắt nhốt. Nghe ông Hè kể lại: hồi đó nhà thờ Họ chỉ là cái miếu nhỏ nằm ở góc khuôn viên bây giờ. Làng còn hoang sơ, cây cối như rừng, lan đến tận núi Phụng. Một buổi mụ thím tau ra chợ, thấy đôi ngỗng bằng vàng (thực ra ông Ta kể thừa ra chữ “bằng”). Vàng chóe. Mặt trời rọi ngỗng như rọi vào gương, chói nổ cả mắt. Mụ thím tau về mách với cha. Dạn lắm cha à. Con tới nó không chạy; con run lên sắp chộp thì chúng chạy như bay, (như bay không phải một cách diễn tả, mà thật. Đôi ngỗng chạy như bay).

Ông cha thầm lặng, một mình mang lưới chừng mờ sáng; lúc mặt trời gần lên, ông thấy, cặp ngỗng vàng trai gái ấy không phải từ núi Phụng xuống làng kiếm ăn, mà từ ngay cạnh ông, trong miếu.

Lúc đó ông chẳng nghĩ đến linh với chả thiêng. Chắc chúng thẩn tha nơi đây đẹp quá chừng, chui vào ngủ luôn mai khỏi xuống núi mệt nhọc. Đôi ngỗng-bằng-vàng (như lời ông Ta) thủng thỉnh tới bên cái ao (nay là ổ voi đằm chếch trước nhà thờ Họ) tắm, đùa rỡn, rỉa lông.

Ông cha của mụ thím tau sững, lò mặt khỏi chỗ ẩn náu chả hay. Đôi ngỗng vẫn như không. Mừng. Cả lo. Ông bước tới. Đúng như lời con ông: Rất dạn. Nữa, chúng đui mù nên không thấy ông. Ông nhanh tay hơn con gái, chắc chắn sẽ sở hữu đôi ngỗng độc nhất thế gian. Sẽ giàu.

Ông cha hồi hộp, nhón nhén bước, mắt dán vào đôi ngỗng vàng, chân vô tình giẫm lên miếng nhựa khô queo, rắc! Đôi ngỗng, không những… mù mà còn… điếc. Ông cha thả lỏng người, thong dong bước tới. Chần chừ. Phải tính. Làm sao bắt được hai con. Thiếu một con rõ ràng giá trị giảm quá nửa. Ông cha giăng tấm lưới theo sải tay, chỉ cần ôm choàng một cái, đè người lên. Thuận lợi. Đôi ngỗng vàng nép gần nhau bên mép ao.

Ụp. Ùm. Ụp - âm thanh phát ra khi ông cha hai tay choàng lưới đôi ngỗng vàng. Ùm - ông cha đè, người tỏm xuống mặt ao. Ông cha vùng dậy. Vuốt mặt. Nước sánh bùn thấm cả vào mắt, cay, ông cha vẫn cố mở. Không thấy đôi ngỗng đâu. Lẽ nào ông cha đè lên chúng, chết chìm cả đôi.

Ông khuơ tay mò cá, không có. Tuyệt nhiên không có. Chúng đi đâu về đâu? Chợt, ông cha rùng mình ớn lạnh. Đôi ngỗng đã biến. Y-ê-nờ-yên, bờ yên biên sắc biến.

Về tắm rửa xong người vẫn còn run. Ông cha mới vào thỉnh giáo mẹ mình đã một trăm linh sáu tuổi. Bà không còn cái răng nào, vẫn phát âm cực rõ: Ngỗng trời ban đấy. Nói con N. dùng cái mấn, nhằm ngày… Rồi thì bà chầu trời. Đám tang xong xuôi. Chóng vánh.

Ông Ta: Ông truyền đạt với mụ thím tau, rằng bà nói như thế như kia, cái mấn… còn nhằm ngày… thì chịu, đếch biết ngày gì. Nghĩ nát óc. Sau chợt hiểu, ngày ai mà tính được, chỉ lúc nào đôi ngỗng vàng xuống núi, tới ao thì chộp.

Ngày ở đây có lẽ là những ngày… uế tạp, vì bây giờ ông cha nhớ lại, hình như bà cụ có nói từ uế tạp (tính từ bổ trợ cho cái mấn hay sao ấy). Đợi. Mụ thím tau rồi cũng đón được đôi ngỗng đúng vào ngày cuối kỳ uế tạp. Mụ rình. Mụ cởi mấn. Mụ lò ra với đôi chân dài thon trắng nõn…

Ông Ta ngừng kể, nhấp trà. Tôi đợi.

Mỗi ngày ông Ta qua nhà mụ Đảnh bốn năm dạo (“Mụ” là một cách gọi chứ không phải già). Tôi chẳng nói tục bao giờ, song nghĩ tục thì có. Hôm rồi đi làm về, dựng xe thấy ông còn ngồi ghế phì phèo thuốc lá, vào thay đồ ra dòm thấy đã đâu mất. Lại đâm đầu qua mụ Đảnh rồi à.

Tôi tự rót nước ngon làm một hơi, thấy ông lò dò trở lại hàng rào. Mi thấy hôm qua tau phát bụi tre lợi không? Tau bảo mụ Đảnh phát để nhòm mụ hay ngồi đái góc ấy đó.

Tôi cười khẩy bề trên. Có ưa không để mai qua làm mối cho. Ông cười nhẹ, kéo ghế ngồi, rít thuốc mặt vui vui, thèn thẹn. Tau nghe mấy đứa truyền tai, mụ Đảnh mụ nói ưa tau. Mụ nói bậy bạ. Tui mấy chục năm trời vợ mất có ưa ai mà mụ nói này nọ thế kia để con cháu đánh giá. Mụ im. Từ đầu lấn chân mụ chẳng qua được cặp vú chay - ông đang nói với tôi, bây giờ sắc mặt vui lên trông thấy - Hôm kia ngồi “rọ” với nhau, tau thua. Phủi đít đứng dậy tau mới chõ mồm với mụ. Từ mai hễ mụ không có tiền nói Ta đưa cho mua rớ treo cặp vú lên cho nhờ với…

Rồi lại ỉu mặt. Nóng chuyển lạnh phút chốc. Nói vậy chứ tau ưa gì mụ… A, mà đêm qua tau mơ thấy nằm với mụ Đảnh tề. Ông Ta nghển tai như nghe chuyện lạ. Tau mới qua hỏi con ghi đề: Thấy nằm với bồ thì đánh con chi? Nó hỏi: Đã nằm thật chưa? Cái con, đã bảo mơ... Con biết rồi, ý con hỏi đã… lấy thật chưa? À, rồi. Rồi. Nó ra chiều nghĩ suy, bảo không có. Thử dò lại xem.

Nó dò từng hàng như dò sổ nợ Nam tào... Tau nóng ruột đợi câu nói này đây: Không có ông à. Nhưng mà, lấy nhau thì... như heo. Heo đánh không (0) bảy (7), chịu không. Tau gật đại. Hắn tiếp, hai heo đánh hai không bảy (207), chịu không. Tau gật đại, đốt luôn một xị. Ai ngờ dơ đít cụ mi ơi, trật đúng một nốt, bực à. Tôi phì cười, vậy chắc gần lấy nhau rồi đấy.

Bậy. Tau ưa gì mụ. Được cặp vú chay. Đúng ra tau ưa em mụ kia. Con em mụ đúng nòi dâm dê. Hắn cũng mất chồng như mụ Đảnh vậy, ở trên phố. Năm ngoái tau có ghé. Ngó ra thấy cái xe đạp mình mới dựng đó đâu mất. Đang tái mặt, thấy mụ vòng sau nhà ngang vô. Xe à? Thu rồi.

Mi thấy ghê chưa. Lúc đó khoảng năm giờ chiều, trời se se. Tau ngồi giữa nền nhà lát gạch, mụ sà tới sát bên luôn. Ghê chưa! Mụ ôm choàng lấy tau ri - ông Ta ôm lấy tôi diễn tả - cảm tưởng thấy bực mình…

Rồi sao ông?

Nói vậy chứ mần sao được. Tau mới giả bàn, ngồi chơi đợi khuya khuya rồi ta tính. Mụ ẩy tau lăn chiêng đổ càng. Thôi về đi cút đi. Mụ vòng ra sau dắt xe tau đẩy một cú dắt nơi hàng rào luôn.

Về ông có bao lô đề nào không?

Ờ - ông Ta sực nhớ - vậy mà trúng. Tau dại đánh ít quá. Có lên phố cà-kê không? Ông cười, đang lần nhớ lại lớp thời gian cũ. Tau đến rủ thằng cha gói tiền nhét đòn đôông cho mối ăn, hình như có nói mi một lần rồi phải? Tôi gật. Hắn vui lắm. Già khú đế rồi. Thấy tau là cười muốn đột tử. Cười chi mà cười, tắm táp thay đồ đi với Ta ngoẻn cái không lỡ mai mốt xuống lỗ giờ. Theo Ta. Có mấy em khéo lắm.

Hắn đặt bắt chéo chân như thế này, trải lại nếp áo như thế này, tay đặt chồng lên nhau như thế này, đầu ngước, mồm chúm chím như gà ấp nhấp nước. Ta, mi nói khéo ra sao? Thì hắn hình như thế này này, mượt như thế này, tươi tắn như thế này… Rứa mà hắn vẫn không chịu đi tề. Tau mới nạt.

Vậy thì lấy tiền làm từ thiện cho rồi. Là tau nói vui, vậy mà hắn làm thật. Lạ. Ngày rằm năm đó hắn lên chùa lễ Phật, về đưa tiền sai con cháu đi phóng sanh, còn hắn một mình ở nhà nằm thẳng cẳng ngàn thu luôn. Đúng người đại phước báu.

Buồn buồn văng vắng thì qua chơi vậy đó, chứ tau ưa gì mụ Đảnh. Hắn trù lấy tau làm bình phong. Chứ hắn lấy bậy tau biết tỏng. Có bữa chập tối qua mua thuốc, tau nghe lộc cộc, lộc cộc. Nghe gọi, hắn ra quớ lên rồi cứ lắp bắp hỏi miết anh mua gì mua gì.

Ông Ta nhìn ra đường. Một bóng người tha thướt lướt qua. Ông nhìn vuốt đuôi cho tới đoạn ngoặt. Mụ Thi. Cái mụ tròn xoe mặt nào ao nấy, cái mụ ăn cùng với chó ngủ cũng với chó ấy. Chưa nhớ à. Cái mụ hễ ngả lưng là bầy chó mắt trò trọ lồi như mắt quỷ sủa ong óc phốc lên con náu háng, con chui nách, con vùi ngực, mụ như chó mạ nằm giữa ấy. Nhớ rồi chứ gì.

Chập tối nào mờ sáng nào cũng đi bộ hết. Mụ là bạn đi bộ của mụ Đảnh đấy. Mi biết không, mụ gọi mụ Đảnh bằng chị là đúng, đôi lúc lại mi-tau. Vậy mà mụ xưng hô với tau ông-cháu, có bực mình không. Kể ra mụ trắng thật, da mịn thật, chỉ tội mặt tròn xoe. Mặt nào thì ao nấy.

Ông thấy “ao” mụ rồi à?

Đếch. Nhưng theo kinh nghiệm truyền đời tau đoán trúng chóc. Chỉ nhìn mặt, tau biết dưới lá tre, lá me hay lá tra lá vả. Lá tre rặn đẻ đến già.

Rặn đẻ đến già sao ông?

Thì, như mụ Đảnh bên kìa…

*

Đùng một cái mụ Đảnh mang bầu.

Của ai. Thằng nào? Cả xóm xôn xao, đến con nít cũng tụm năm tụm bảy bàn tán, rú rít cười, có đứa chạy mách người lớn. Một bà già khụ, lưng còng vọng, mặt đen tới tát đứa nít trai một cái bay mấy sợi tóc. Mi. Mi à. Bằng từng mà đòi bọp hắn à. Mất dạy. Nó dơ mặt cãi: Thì già còn bậy bạ huống hồ…

Chết chửa. Già rồi là ám chỉ ai. Tình nghi được khoanh vùng trước hết những người hay tới mụ Đảnh nhất. Một (có thể), tên trưởng thôn kiêm trưởng Họ. Hai, ông Ta. Ba,…

Tôi thấy lo. Có bữa tới mụ Đảnh tìm ông Ta, tôi đã thấy ông Ta ngồi ở hiên nơi tấm phản (là chiếu rọ mỗi chiều của mấy ông mấy bà). Tôi đánh tiếng thật to: Có ông Ta trong không vậy hè. Bỗng dưng (ngoài dự tính) ông già chồng của mụ già tát văng mấy sợi tóc đứa trai nít nói trên cố ý lên giọng to hơn: Có trong chứ lúc nào không có. Thế mới gay. Mới (có thể) oan cho ông Ta.

Sáng đó mụ Thi bỏ đi bộ, một hai để tau kêu tắc xi, tính đưa mụ Đảnh lên trạm xá song không được chấp thuận. Mụ Đảnh nhăn mặt, bởi chỉ mới đau râm râm. Trưa đau từng cơn. Mụ phải cố bước tới bước lui cho đỡ, từ mười hai giờ đến chiều, tay phải chống hông, lặc lè như sắp hàng nín chờ trước cổng WC. Ông Ta đeo một cái mặt nạ dày cộp, hỏi: Sao rồi, đau lắm không? Mụ Thi trả lời thay: Đang đau từng cơn liên tục. Ông Ta đã thành một con người khác hẳn. Có chị Thi ngồi đó, để tau đi mua cho tô bún bò. Mụ Đảnh xẵng: Không ăn uống gì hết. Giờ này còn ăn với uống. Đau gần chết đây rồi! Vậy nhưng ông Ta vẫn đi, đi tìm cô y tá trạm xá phường bà con thân tích.

Chẳng may, ông gặp ngay gã Chinh trưởng thôn kiêm trưởng Họ. Ông bước qua gã với đầy đủ hình hài của bóng ma màu trắng sẫm. Gã Chinh vừa tới gần nhà mụ Đảnh, thập thò rồi cũng lui. Ông Ta nhằm thẳng trạm xá phường. Mắt ông đỏ ngầu, nhìn vào như đang hăng máu chọc tiết.

Ông tới trạm xá, không cần cô y tá nể nang họ hàng, ông lên mặt với tư cách con dâu ông làm lãnh đạo phường, mà cô y tá là cán bộ cấp dưới, y tá phải có trách nhiệm với phụ nữ đẻ đái trong phường này. Cô ta không vừa. Đau à. Vậy khi sướng kêu ai. Kêu ai.

Ông có đến kêu tui phòng không nhà trống? Vừa to tiếng, y tá phường vừa vơ đồ khám sản khoa vào túi, đẩy ông Ta khỏi cửa, khóa, lật bật bước trước, không hề muốn sánh vai cùng.

Y tá vừa bước vào, mụ Đảnh ngóc đầu dậy. Chị ơi, chị khám cho em giùm, đau dữ quá? Y tá khám xong, phát ngôn cửa mình mở ba phân rồi sao không bắt rặn nhỉ? Mụ Đảnh khẩn khoản, chị có thuốc gì chích cho tui mũi, chứ em chịu không nổi. Sướng hi! Chịu không nổi sướng hi. Không chích nữa. Cửa mình mở rồi chích gì nữa mà chích.

Bên ngoài, đứa con gái tật nguyền ba hai tuổi (dự báo sẽ không chồng) của mụ Đảnh trở tay không kịp với hàng tạp hóa. Con nít mua kẹo bánh tấp nập. Ngày thường cha mẹ chúng nạt vống lên cái tội xin năm trăm một ngàn, nay cho liền. Đứa không xin xỏ cha hoặc mẹ cũng: này cho mi hai ngàn tới quán mụ Đảnh mua đồ; à, ngó coi mụ đã sinh chưa hơi, trai hay gái hơi.

Này ông. Này mẹ nó, bụng nhọn chắc chắn sinh lập là. Tày chứ nhọn mô, để coi, đại bác có khi. Chả quan trọng, cái chính là dòng giống thằng mô. Chuẩn bị tiền mua lon sữa tới xem mặt…

Ông Ta đi được nửa đường, quay lui ra đường chính mua một tô bún. Mụ Đảnh mới thấy, chưa ai kịp hỏi có ăn bún bốc khói không, đã gắt. Đau gần chết rồi, ăn sao được. Mụ Thi: Không ăn, hồi sức đâu mà đẻ? Mụ Đảnh đau quá không trả lời, cứ bò tới bò lui dưới nền nhà lát gạch. Bò. Chùi người khắp phòng.

Chị đứng dậy vịn hai tay lên cửa, hai chân giạng ra để mau mở cửa mình - Mụ Thi. Mụ Đảnh hực lên, cứ như muốn bả vào mồm mụ Thi. Ai không biết vậy. Đứng đau ai chịu nổi? Mụ Thi phắt dậy, định phun ra lời gì đó, nén kịp.

Để tao ra gọi y tá. Cô y tá đang đứng nói chuyện với một người quen ngoài ngõ. Vào, y tá khám lại. Mụ Đảnh năn nỉ. Chị tiêm cho tui mũi thuốc giục sinh cho mau. Rặn đi. Im mồm lại. Cứ nằm đó mà không nổi nữa không nổi nữa. Đau quá hi.

Tôi trở về nhà mờ tối, thay đồ qua nhà ông Ta không thấy ai. Tiếng kêu van từ nhà mụ Đảnh như chỉ mình ông nghe thấy trong khoảnh khắc vắng lặng hiếm hoi nơi cái xóm lắm mồm miệng này.

Còn mụ Đảnh - một sinh linh bị Đức Đồng Trinh trừng phạt đang ngắc ngoải. Trong đầu tôi dựng lên một đoạn phim ngắn: Phía dưới giường là cô y tá, trực chờ đứa trẻ chui ra.

Đầu giường có ông Ta đứng bên hữu còn gã Chinh bên tả như hai vị hộ pháp canh cho mụ Đảnh rặn và rên. Vào giữa lúc cao trào thì đạo diễn hô: “Cắt!”. Chuyển trường đoạn. Cảnh mụ Đảnh thời con gái xuân thì (tầm tuổi tôi bây giờ)... Thị thổn thức: “Tính sao bây giờ anh. Chồng em mà biết thì hắn giết!”.

Tôi vỗ về: “Đừng lo quá. Anh sẽ xin với thần linh ghim tuổi đời của mình lại. Đến lúc em già hơn anh vài ba chục xuân, nếu ta có công khai chuyện này cũng mấy ai tin”.

Chuyện đời nham nhở nhưng không nhảm. Ý nghĩ lóe lên khi đọc xong truyện ngắn mới này của Nhụy Nguyên.

Soi chung gương mặt đàn bà ảnh 2

Có thể thấy cả một vùng đất hiện ra qua lát cắt là vài nhân vật khá đặc dị - những nhân vật có vẻ ngoài và hành động bình thường, thậm chí tầm thường, nhưng ở họ có điều mà nhiều người viết vật lộn mãi không ra: Cá tính. Việc sử dụng phương ngữ ở đây cũng khá thú vị.

Nhụy Nguyên là nhà văn trẻ có kỳ vọng đổi mới khá quyết liệt. Truyện ngắn này nằm trong “hệ” truyện độc lập mà nhà văn mong muốn khi sắp xếp lại trong một cuốn sách, nó cấu thành một tiểu thuyết.

Truyện ngắn của
Nhụy Nguyên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
'Ngậm trái đắng giấc mơ làm việc trời Tây': Nhiều đơn vị ngừng hợp tác với DSS
'Ngậm trái đắng giấc mơ làm việc trời Tây': Nhiều đơn vị ngừng hợp tác với DSS
TPO - Trung tâm Phát triển Giáo dục và đào tạo phía Nam thuộc Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ giải quyết theo hướng dừng hợp tác sử dụng các dịch vụ của Trung tâm đối với Công ty TNHH du học định cư DSS từ ngày 15/10/2024. Trong khi đó, đại diện Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, "DSS cũng không còn hoạt động tại trường nữa...".