Với chủ đề Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển, Ngày hội có sự tham gia của 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng, các chức sắc tôn giáo tiêu biểu dân tộc Khmer Nam Bộ.
Trong đó, ấn tượng với hàng ngàn khán giả có mặt tại Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật gồm 2 chương là Ngày hội Samaki và Sóc Trăng - Hội tụ và lan tỏa với nhiều chương trình ca múa nhạc thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, sẻ chia của đồng bào Khmer Nam Bộ với các dân tộc Kinh - Hoa trong quá trình khai phá, xây dựng vùng đất “Chín Rồng” thể hiện Sóc Trăng nơi hội tụ văn hóa của các dân tộc Kinh - Khmer – Hoa.
Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu. |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Đỗ Văn Chiến Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao việc Bộ VH-TT-DL đã phối hợp với tỉnh Sóc Trăng tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer.
Đồng thời, còn là dịp để đồng bào trình diễn, giao lưu các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, độc đáo của các nghệ sĩ, nghệ nhân chuyên và không chuyên và đua ghe Ngo truyền thống. Qua đó đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng có dịp bày tỏ tình cảm, niềm tin yêu của mình đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc.
“Quá trình tổ chức Ngày hội văn hóa và lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo phải gắn liền với việc quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong bài phát biểu rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm đậm tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Khmer nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, mình giữ cho mình chứ không thể nhờ ai giữ cho mình được.
Đồng bào dân tộc Khmer cùng nhau thực hiện tốt phương châm: Người đi trước truyền lại cho người đi sau. Cộng đồng học hỏi lẫn nhau, với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình. Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào, ngành văn hóa tiếp tục tham mưu để Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc và của cả dân tộc Việt Nam chúng ta”, ông Chiến đề nghị.
Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mang đậm bản sắc đồng bào Khmer Nam Bộ như trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương như hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục của dân tộc Khmer, Trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Khmer, Trình diễn Trang phục dân tộc truyền thống dân tộc Khmer, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc Khmer, Không gian trưng bày, trình diễn chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực dân tộc Khmer truyền thống.
Tại lễ khai mạc, UBND tỉnh Sóc Trăng công bố logo du lịch của địa phương và đón nhận bằng công nhận kỷ Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận lập kỷ lục về số lượng đội ghe ngo và số lượng vận động viên đua ghe ngo nhiều nhất lễ hội Oóc Om Bóc tính từ năm 2005 cho đến nay.
Giải đua ghe ngo lễ Oóc Om Bóc lần này có 54 đội ghe ngo (9 đội nữ) đến từ 7 tỉnh khu vực ĐBSCL là Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong đó, chủ nhà Sóc Trăng có 40 đội.