Sốc phản vệ, suy đa cơ quan sau khi… ăn tôm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, mạch nhanh, cơ thể nổi mề đay, rơi vào nguy kịch. Bác sĩ xác định, người bệnh bị sốc phản vệ sau khi ăn tôm.

Đó là trường hợp của bệnh nhân N.T.T. (30 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) vừa được một bệnh viện tư nhân tiếp nhận, cấp cứu. Theo bệnh sử, trước khi vào viện, bệnh nhân dùng bữa với món tôm và hải sản. Người bệnh có tiền sử từng dị ứng với hải sản đặc biệt là tôm nhưng vẫn chủ quan vì nghĩ rằng ăn ít nguy cơ đối với sức khỏe sẽ thấp.

Sốc phản vệ, suy đa cơ quan sau khi… ăn tôm ảnh 1

Bệnh nhân sốc phản vệ rơi vào nguy kịch, phải điều trị tích cực sau khi ăn tôm

Tuy nhiên, sau bữa với hải sản và tôm thì người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng dị ứng với các dấu hiệu ngứa da, nổi mề đay. Tình trạng bệnh tiếp tục diễn biến nặng khiến người bệnh phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 3. Đây là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng với biểu hiện khó thở, mạch nhanh, tụt huyết áp (huyết áp 50/30mmHg), tổn thương đa cơ quan.

Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí sốc phản vệ với Adrenalin, dịch truyền và sử dụng các thuốc hỗ trợ theo phác đồ của Bộ Y tế. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc (ICU) điều trị. Sau 24 giờ theo dõi, điều trị tích cực đến ngày 20/12 tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục ổn định.

Từ trường hợp trên, bác sĩ cho biết, dị ứng là phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với các tác nhân như thực phẩm, thuốc, hay côn trùng đốt. Các triệu chứng có thể từ nhẹ như ngứa da, nổi mề đay đến nặng như khó thở, sưng phù, tụt huyết áp, thậm chí gây sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.

Sốc phản vệ, suy đa cơ quan sau khi… ăn tôm ảnh 2

Các bác sĩ đã nhanh chóng xử lý tình trạng sốc phản vệ theo phác đồ cứu người bệnh

Những dấu hiệu ban đầu của sốc phản vệ thường lặp đi, lặp lại, trong đó một số biểu hiện có thể xuất hiện chỉ vài phút ngay sau khi người bệnh ăn phải những thức ăn hoặc tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng như sưng nề, phát ban, nôn ói… Tình trạng sốc phản vệ phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng người, số lượng, tốc độ hấp thu các chất lạ vào cơ thể và thời gian người bệnh được tiếp nhận xử lý, điều trị.

Để tránh nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng, ngay khi có những biểu hiện của dị ứng, sốc phản vệ, đặc biệt những người đã có tiền sử dị ứng trước đó, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

Bác sĩ cảnh báo những người đã có tiền sử dị ứng thức ăn, nên cảnh giác với thức ăn lạ. Có thể ăn thử một lượng nhỏ để thăm dò phản ứng của cơ thể. Sau 24 giờ, nếu cơ thể không có phản ứng bất thường thì mới nên tiếp tục ăn thức ăn này. Với những người đã có tiền sử dị ứng trước đó, thận trọng trong việc ăn các món ăn có khả năng chứa loại thức ăn làm mình dị ứng. Luôn mang theo thuốc giải dị ứng. Sử dụng theo liều lượng, cách thức được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa.

MỚI - NÓNG