Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 20 (kỳ họp thường lệ cuối năm) khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, ngày 10/12, HĐND TPHCM tiến hành chất vấn đối với Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) thành phố Trần Thế Thuận về các vấn đề ngành quản lý.
19/300 doanh nghiệp hợp tác đầu tư các dự án PPP
Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu HĐND TPHCM Trần Quang Thắng thông tin tháng 10, TPHCM tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cho các dự án văn hóa – thể thao. Ông Thắng đề nghị “tư lệnh” ngành văn hóa cho biết đến nay tiến độ thu hút nhà đầu tư đã đi đến đâu.
Đại biểu nêu vấn đề trao đổi với Giám đốc Sở VH&TT TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng. |
Về hình thức đầu tư PPP và các giải pháp thu hút đầu tư, Giám đốc Sở VH&TT Trần Thế Thuận cho biết Luật Đầu tư công được sửa đổi, bổ sung vào năm 2019 không có lĩnh vực đầu tư PPP đối với lĩnh vực VH&TT. Đây là vấn đề ngành văn hóa cần có đề xuất, ý kiến bởi rõ ràng lĩnh vực VH&TT phải là hoạt động chung, đến từ công chúng, người dân.
Ông Thuận nhìn nhận nếu không có sự tham gia, đóng góp và xã hội hóa từ phía người dân thì ngân sách thành phố không thể đáp ứng, không đủ để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và phát triển cộng đồng thể thao trên địa bàn. Trên cơ sở được sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo, việc đưa PPP vào Nghị quyết 98 đã được thực hiện. Song song đó, ngành cũng rà soát tất cả dự án liên quan và qua đó đề xuất 21 dự án.
Đến khi Nghị quyết 98 có hiệu lực (1/8/2023), sở đã trình HĐND để HĐND TPHCM xem xét và thành lập danh mục để ngành có cơ sở pháp lý kêu gọi đầu tư.
Giám đốc Sở VH&TT thành phố đánh giá hiện trong quy định PPP còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện rõ về quyền lợi và nghĩa vụ, chưa có nhiều cơ chế đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư trong khi lĩnh vực này vốn không hấp dẫn nhà đầu tư.
“Do đó, hội nghị xúc tiến vừa qua là cơ hội để chính quyền, nhà đầu tư và kể cả đội ngũ văn nghệ sĩ, thể thao gặp gỡ, hội tụ tìm hiểu lẫn nhau. Đây như dịp để người sáng tạo gặp được người đầu tư và nhà đầu tư cũng phải hiểu người sáng tạo có khả năng đáp ứng được yêu cầu gì và môi trường thành phố đối với nhà quản lý tạo nền tảng pháp lý và những điều kiện gì thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Thuận nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành VH&TT TPHCM cũng cho hay trong danh mục kêu gọi, thu hút đầu tư, từng dự án đều có đánh giá cụ thể về lợi thế, ưu thế, ưu đãi, trong đó có 5 dự án ưu tiên. Từ đó, trong hơn 300 doanh nghiệp quan tâm tham dự hội nghị xúc tiến vừa qua, đã có 19 doanh nghiệp chính thức đặt vấn đề và có hợp tác thỏa thuận với chính quyền TPHCM để tìm hiểu sâu, nghiên cứu cũng như đề nghị thành phố cho có ý kiến cụ thể từng dự án để họ có thể tham gia chính thức.
TPHCM gặp khó để triển khai tiếp các dự án ở khu Rạch Chiếc
Nêu câu hỏi, ông Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đề nghị Giám đốc Sở VH&TT cho biết tiến độ Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc và Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, liệu hai dự án này có thể được đưa vào sử dụng sớm trong thời gian tới.
Theo ông Phong, riêng dự án Rạch Chiếc đã “treo” khá lâu khiến TPHCM không thể tổ chức các giải đấu lớn mang tầm châu lục, quốc tế, đồng thời người dân cũng mất đi cơ hội thụ hưởng giá trị tinh thần.
Giám đốc Sở VH&TT Trần Thế Thuận trả lời các vấn đề thuộc chức năng quản lý của ngành. |
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở VH&TT Trần Thế Thuận cho biết dự án này nằm trong tổng thể của khu Thủ Thiêm cần thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích còn lại trong khi kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện rất lớn. Điều này làm thành phố rất khó khăn trong việc triển khai tiếp tục các dự án thuộc khu Rạch Chiếc. Theo ông, trong số 21 dự án mà HĐND TPHCM đã phê duyệt để kêu gọi đầu tư, có đến 16 dự án thành phần nằm trong dự án Rạch Chiếc.
Cũng theo ông Thuận, dự án này bị chậm trễ do vướng những yếu tố về điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt quy hoạch và những quy định về mặt pháp luật chưa phù hợp trong giai đoạn triển khai tiếp theo. Do đó, ngành VH&TT đang cố gắng kiến nghị với HĐND thành phố đồng thời kiến nghị UBND thành phố bảo tồn được diện tích dự án bởi hiện nay quỹ đất thành phố dành cho thể thao chỉ chiếm khoảng 1,35%, tỷ lệ thấp so với tổng thể chung của cả nước.