Vợ chồng Jan và Victorya Neumann từng là nhân viên tình báo của Cơ quan Tình báo FSB của Nga. Từ chỗ là những điệp viên đắc lực tham gia phá các vụ án kinh tế lớn có dính líu đến tội phạm có tổ chức, Neumann đã lún sâu vào con đường tội lỗi do mờ mắt vì những đồng tiền bẩn, phải trốn chạy sang Mỹ và hiện đang bị mắc kẹt ở một vùng quê bang Oregon.
Câu chuyện về họ vừa được tờ Newsweek đăng tải nhằm cất lên tiếng nói giúp họ tố cáo cách đối xử của FBI với những người "tự nguyện" đầu quân cho họ.
Jan Neumann là tên trên giấy tờ sau khi vợ chồng ông đến Mỹ, còn tên thật là Alexy Yurievich Artamonov, sinh ra ở Moskva, Nga. Ông là con trai của một sĩ quan điều tra nội bộ của Cơ quan tình báo Liên Xô KGB. Nối gót cha, Jan vào làm việc trong Cơ quan tình báo FSB là hậu duệ của KGB sau khi Liên Xô tan rã.
Vào một ngày tháng 5/2008, Jan Neumann có cuộc gặp một đối tác trong ngành ngân hàng. Người này thông tin cho Neumann biết rằng ông đang bị bọn tội phạm có tổ chức lẫn cơ quan tình báo nơi phân công công tác cho ông truy đuổi vì những lý do khác nhau. Đối tác ngân hàng cho rằng Jan hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự bắn một phát đạn vào đầu; hoặc là chờ một ai đó đến bắn vào đầu mình; hoặc là phải chạy trốn ra nước ngoài, và Jan đã chọn cách chạy trốn.
Về đến căn hộ ở khu trung tâm Moskva, Jan thông tin cho vợ biết về tình hình hiện tại, và muốn vợ giúp lên kế hoạch trốn chạy. Victoria là một phụ nữ đặc biệt, một người giỏi giải quyết vấn đề, biết 5 thứ tiếng và từng theo học cùng trường, cùng ngành an ninh với chồng. Ngay lập tức Victoria vạch ra một kế hoạch chạy trốn cho hai người. Hai vợ chồng vội vã thu dọn đồ đạc, vàng bạc, điện thoại di động, máy tính laptop và khoảng 1.500 USD tiền mặt. Sau đó, Jan gọi điện thoại cho hai người bạn đều là các sĩ quan cao cấp trong FSB và báo cho họ biết kế hoạch chạy trốn của mình.
Một người trao cho Jan một bộ hồ sơ về các quan chức tham nhũng ở trụ sở FSB đóng đô trên Quảng trường Lubyanka. Còn người kia thì tải xuống cho Jan một tập tài liệu điện tử chứa các thông tin về các ngân hàng có liên hệ với chính phủ. Đây là những thông tin mật vô cùng nhạy cảm về các mối quan hệ ngầm giữa các "ông lớn" ngành ngân hàng, tội phạm có tổ chức và các sĩ quan FSB tham nhũng.
Vợ chồng Neumann lái xe suốt đêm đến gặp một người bạn, sau đó đổi xe và quay trở về Moskva bằng một chiếc xe khác. Victoria mua vé 3 chuyến bay khác nhau ở ba sân bay khác nhau nhằm đánh lạc hướng những kẻ truy đuổi. Giờ chót trước khi lên máy bay, Victoria mới mua vé chuyến bay mà họ muốn đi. Đó là chuyến bay đến Frankfurt, Đức, từ đó có chuyến bay đi tiếp đến Cộng hoà Dominique trong vùng biển Caribbean, nơi không yêu cầu visa nhập cảnh.
Jan và Victoria đáp máy bay xuống sân bay Puertaa Plata và đi ôtô đến thị trấn Cabarete ven biển phía Bắc, thuê một căn nhà dọc bãi biển để tạm trú. Họ gửi tiền vào một ngân hàng ở địa phương, cất giữ cẩn thận passport Nga và giấy tờ hôn thú trong két sắt gửi ở ngân hàng và mua điện thoại di động mới để sử dụng. Trong vài tuần lễ đầu, họ hoà mình vào cuộc sống mới, với nắng, gió, sóng biển và các món ăn dân dã địa phương, vui chơi hưởng thụ cùng những du khách đến từ châu Âu. Đêm đến, họ lại cùng nhau vạch kế hoạch bán những thông tin bí mật của cơ quan cũ.
Ngay trước giờ ăn trưa ngày 29/5/2008, cặp vợ chồng Neumann đi vào khu phức hợp tòa Đại sứ Mỹ ở Santo Domingo và yêu cầu được nói chuyện với người phụ trách chính về an ninh. Khoảng 10 phút sau, một sĩ quan CIA trong vỏ bọc nhà ngoại giao bước ra chào đón họ. Jan chìa ra tấm thẻ nhân viên FSB và trao cho viên sĩ quan CIA một lá thư hẹn gặp nói chuyện riêng. Vài giờ sau, họ đã được CIA dang vòng tay chào đón.
Vợ chồng Neumann đã mang đến cho CIA món quà bất ngờ. Họ tự nguyện "đổi màu áo" (turncoat), hứa hẹn chia sẻ những thông tin bí mật nhà nước để đổi lấy giấy tờ lao động, nhân thân mới và một nơi để ở.
Thời điểm đó, CIA có một cách để giúp họ - có thể cho họ tham gia chương trình PL-110, là chương trình CIA thường dùng để bảo vệ các điệp viên, cung cấp tị nạn chính trị, trả lương, cung cấp nhà ở và bảo đảm an ninh. Mỗi năm, PL-110 cung cấp hỗ trợ cho khoảng 100 người đào tẩu cùng các thành viên gia đình họ. Thế nhưng, không hiểu sao CIA lại không áp dụng chương trình PL-110 với vợ chồng Neumann.
Vợ chồng Neumann được bố trí vào làm việc cho FBI nhưng ở vị trí hoàn toàn không thích hợp và từ đây họ đã trở thành điển hình phản ánh cuộc chiến tình báo giữa Nga và Mỹ, là nạn nhân của cuộc đấu đá quyền lực giữa hai cơ quan FBI và CIA. Họ là những điệp viên đào tẩu đầu tiên lên tiếng than phiền vì bị giằng xé giữa hai cơ quan tình báo của Mỹ, nhưng sau đó đã không giúp đỡ họ khi họ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về Nga nơi nhà tù đang đợi họ. Khó khăn càng chồng chất thêm khi Victoria hạ sinh đứa con đầu lòng.
Judy Snyder, luật sư của đôi vợ chồng Neumann nói rằng, chính quyền Mỹ cần phải chào đón họ như những "người hùng". Còn cựu sĩ quan phản gián của CIA Paul Redmond, người từng nhiều năm quản lý các điệp viên đào tẩu thì ngạc nhiên vì CIA đã không nhận lãnh trách nhiệm đối với vợ chồng Neumann.
Giấy tờ tùy thân mang tên Alexy Yurievich Artamonov của Jan Neumann.
Trong cuộc chiến tình báo giữa Mỹ và Liên Xô và sau này là Nga, hai bên thường chào đón và đối đãi rất nồng hậu các điệp viên đào tẩu của bên kia với mục đích lợi dụng moi móc thông tin bí mật của đối phương. Tuy nhiên, trường hợp của vợ chồng Neumann hiện nay có điểm khác thường. CIA không tận tình tuyển dụng, không chăm sóc chu đáo họ như mọi khi. Kể cả FBI, nơi đã tiếp nhận vợ chồng Neumann vào làm việc cũng có thái độ đối xử lạnh nhạt.
Ở đây có một lý do tế nhị mà cả hai cơ quan tình báo CIA và FBI đều không muốn đề cập. Đó là họ nghi ngờ cặp vợ chồng Neumann là những điệp viên Nga được Cơ quan tình báo FSB cử đến đóng giả làm điệp viên đào tẩu nhằm chui vào trong hàng ngũ tình báo Mỹ. Đây là tình báo kiểu cũ, truyền thống được triển khai trong thời hiện đại, khi mà công nghệ cao đang được sử dụng tối đa cho mục đích moi tin tình báo.
Ngày 9/6/2008, vợ chồng Neumann gặp gỡ trưởng trạm CIA và hai thuộc cấp tại một địa điểm bên trong một cửa hiệu sách ở Santiago. Cửa hiệu sách này cũng là một cơ sở của CIA tại Santiago, và người chủ cửa hiệu cũng là điệp viên ngầm của CIA. Những người Mỹ tiếp xúc với Neumann tỏ ra hăng hái thực hiện một phi vụ tình báo tại một quốc gia hẻo lánh như thế này. Họ sao chụp giấy tờ tuỳ thân của đôi vợ chồng và đọc cho họ ghi các câu hỏi thẩm vấn như một thủ tục bắt buộc. Câu hỏi quan trọng nhất: Vì sao vợ chồng Neumann chạy trốn khỏi Nga?
Jan khai nhận: nhiệm vụ cuối cùng của ông ta tại FSB là điều tra rửa tiền và tham nhũng ở các tổ chức tài chính ở Moskva. Đây là nhiệm vụ hưởng lương cao và còn được nhận "lại quả" từ các đối tác trong khi làm nhiệm vụ, bao gồm các lãnh đạo ngân hàng và các đồng liêu của họ là bọn tội phạm có tổ chức. Neumann cho rằng ông ta được các sếp đồng ý cho nhận các khoản tiền này.
Sau đó, Neumann được FSB điều động làm đội phó an ninh của Ngân hàng Kreditimpeks, một ngân hàng bị nghi là đầu mối rửa tiền cho bọn tội phạm ở Moskva. Trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2008, Jan đã học được cách ém 1 triệu USD vào một cái bao nhỏ, từng bó tiền được xếp ngay ngắn một cách chuyên nghiệp. Jan đã sẵn sàng tham gia hội tham nhũng nhưng tính hay tò mò, chõ mũi vào các phi vụ mà những kẻ tham nhũng không muốn ai biết đã khiến Jan bị các thành phần cùng hội gạt ra ngoài.
Trả lời câu hỏi của báo chí, FSB khẳng định, Neumann đã phản bội cơ quan khi tham gia vào những phi vụ ngoài tầm kiểm soát của cơ quan. Đồng thời Neumann cũng bị nghi là kẻ cắp, đã bỏ trốn khi bị triệu tập để thẩm vấn về số tiền 1,5 triệu euro biến mất khỏi Ngân hàng Kreditimpeks.
Kết thúc cuộc trò chuyện tại cửa hiệu sách, một sĩ quan CIA trao cho Neumann 2.500 USD tiền mặt và hẹn sẽ gặp lại vào khoảng một tuần sau. Dù vẫn còn ngại ngùng, lo sợ nhiều thứ, nhưng vợ chồng Neumann hầu như đã chính thức vượt qua lằn ranh, đầu quân cho CIA. Jan nói với tờ Newsweek: "Coi như không thể quay đầu lại".
Ngày hôm sau, vợ chồng Neumann gọi điện thoại cho một người quen ở Moskva và biết được rằng đúng là Cơ quan tình báo FSB và cả bọn tội phạm có tổ chức đang săn lùng mình. Về sau, CIA cũng xác nhận thông tin này. Cơ quan tình báo này khi đó đã lập kế hoạch để đưa vợ chồng Neumann đến Puerto Rico, họ khuyên vợ chồng Neumann để lại nhiều dấu vết khác nhau để đánh lạc hướng những kẻ đuổi theo họ. Vậy là trong vòng 3 tuần lễ, họ đã đi lòng vòng đến 700 km trên một chiếc ôtô leo núi hiệu Toyota.
Trên đường đi, họ sử dụng các kỹ năng gián điệp học được ở FSB để quan sát nhằm phát hiện ra những đối tượng khả nghi đuổi theo họ. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng các giấy tờ tùy thân để đi đến San Juan. Trong lúc họ di chuyển khắp nơi ở Cộng hòa Dominique, một sĩ quan phản gián từ Tổng hành dinh CIA đã tiếp xúc với họ và hỏi họ có biết ai ở Langley là điệp viên hai mang hay không.
Đến thời điểm này, vợ chồng Neumann đã cung cấp cho CIA rất nhiều hồ sơ của FSB, bao gồm danh tính các sĩ quan cấp tướng, tá trong FSB dính tham nhũng. Chỉ bấy nhiêu thông tin đó cũng đủ để họ được CIA cho tham gia chương trình PL-110. Tuy nhiên, họ vẫn còn thiếu một chút thông tin mà CIA cần, đó là, "ai là điệp viên hai mang trong CIA", nhưng họ không cung cấp được, vì vậy họ không "đủ điểm" để có thể có được sự ủng hộ của cơ quan này.
Từ chối khéo vợ chồng Neumann, viên sĩ quan CIA đã khuyên họ nên "nghiên cứu" quay trở về Nga làm gián điệp bí mật cho Mỹ, nhưng vợ chồng Neumann từ chối đề nghị này, vì họ biết rằng trở về Nga đồng nghĩa với chui đầu vào rọ, là tìm đến cái chết. "Đối với FSB, tôi coi như đã chết rồi" - Jan nói.
Vào sáng sớm ngày 16/7/2008, vợ chồng Neumann biết được thông tin rằng họ sẽ được đưa đến Puerto Rico bằng thuyền chứ không đi máy bay. Đứng trên boong chiếc thuyền mang tên La Romana, Trưởng trạm CIA trao cho vợ chồng Neumann thẻ căn cước Cộng hòa Dominique với những mật danh mới là Andrey Pavel Bogdan và Maria Bogdan, sinh ở Belgrade, Serbia. Jan đã cạo sạch tóc và râu để chụp ảnh; còn Victoria thì nhuộm tóc cho màu sáng hơn (thay vì màu đen).
Sau đó, vợ chồng Neumann được đưa lên một chiếc bè gỗ được hộ tống bởi các sĩ quan CIA, rồi một chiếc thuyền cao tốc đến đưa họ lên một chiếc tàu tuần duyên. Tại đó, họ được tiếp xúc với các đặc vụ của FBI và Cơ quan Chống ma túy (DEA). Khi chiếc tàu đến San Juan, các đặc vụ trao cho vợ chồng Neumann bộ đồng phục gồm áo khoác, mũ và phù hiệu. Họ chính thức trở thành đặc vụ FBI. Họ được ăn bữa ăn Mỹ đầu tiên ngay sau đó…