Số phận hai dự án nhà hát nghìn tỷ ở Hà Nội ra sao?

TPO - TPHCM vừa thông qua dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Còn tại Hà Nội, nhiều năm qua cũng từng xuất hiện các dự án xây dựng nhà hát với mức đầu tư "khủng"  nhưng đều chưa được triển khai hoặc bị "khai tử".

“Khai tử” dự án nhà hát Hoa Sen lớn nhất Thủ đô

Tháng 5 vừa qua, trong thông báo kết luận sau khi nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tập thể lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội thống nhất dừng triển khai dự án nhà hát Hoa Sen lớn nhất Thủ đô nằm tại khu “đất vàng” Khu công viên hồ điều hòa CV1 (Khu đô thị mới Cầu Giấy).

Nói về việc dừng triển khai dự án nhà hát Hoa Sen, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho biết, dự án này là xã hội hóa, việc dừng là do nhà đầu tư không có nhu cầu đầu tư nữa.

"Ban đầu đơn vị này dự kiến đầu tư nhưng sau đó họ tính toán cân đối lại thấy không phù hợp nên họ quyết định dừng", ông Quyền nói.

Bên cạnh đó, theo vị lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực tế cũng có một số nhà hát khác được đầu tư nên việc ngừng xây dựng nhà hát đó là phù hợp, được thành phố chấp thuận.

Số phận hai dự án nhà hát nghìn tỷ ở Hà Nội ra sao? ảnh 1 Hà Nội mới quyết định dừng dự án nhà hát Hoa Sen 2.000 chỗ ngồi xây dựng bên trong công viên 32 ha.

Trước đó, tháng 7/2017, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí, trong đó có dự án nhà hát Hoa Sen.

Đây là nhà hát lớn và hiện đại bậc nhất nhất Thủ đô, được xây dựng trên diện tích khoảng 4 ha có quy mô 6 tầng, cao 54m được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước.

Nhà hát Hoa Sen được xây dựng bằng vốn xã hội hoá. Dự kiến có công suất 2.000 chỗ ngồi, xung quanh nhà hát đảm bảo cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi hàng ngày. Trong nhà hát có văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí…

Theo kế hoạch, nhà hát Hoa Sen nằm trong khuôn viên Công viên hồ điều hòa CV1, có tổng diện tích gần 32ha, nằm tại khu vực giao cắt giữa đường Dương Đình Nghệ và Phạm Hùng. Trong đó, 19ha là diện tích mặt nước, phần còn lại là công viên cây xanh cùng các tiện ích chức năng công cộng.

Nhà hát Thăng Long: 8 năm "án binh bất động”

Từ năm 2010, vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố dự định động thổ nhà hát Thăng Long nằm trong trong quy hoạch khu đô thị mới Tây Hồ Tây (quận Tây Hồ), quy mô khoảng 22ha.

Nhà hát Thăng Long bao gồm một khối biểu diễn hoà nhạc cổ điển từ 1.200-1.500 chỗ, một khối biểu diễn đa chức năng 1.800 chỗ. Ngoài ra, có không gian tổ chức biểu diễn ngoài trời.

Thời điểm đó, thành phố khái toán tổng mức đầu tư dự án nhà hát Thăng Long hơn 2.398 tỷ đồng, với dự định nguồn vốn đầu tư cả giai đoạn chuẩn bị và thực hiện đều do ngân sách nhà nước cấp. Sở Xây dựng Hà Nội là chủ đầu tư nhà hát này.

Số phận hai dự án nhà hát nghìn tỷ ở Hà Nội ra sao? ảnh 2 Sau 8 năm dự định động thổ, đến nay dự án nhà hát Thăng Long vẫn "án binh bất động".

Đến năm 2013, cử tri quận Tây Hồ đã có đề nghị thành phố nghiên cứu không xây dựng nhà hát Thăng Long vào khu đông dân cư của phường Xuân La.

Trả lời kiến nghị này, thành phố Hà Nội cho rằng vị trí dự kiến xây dựng nhà hát Thăng Long hoàn toàn thuộc phạm vi dự án đầu tư khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây đã được giao cho nhà đầu tư Hàn Quốc từ năm 2006.

Đồng thời, việc xác định vị trí chính xác xây dựng nhà hát đã được nghiên cứu trên tổng thể tại đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Tây Hồ Tây.

Theo thành phố, vị trí nhà hát Thăng Long thể hiện được vị trí xứng tầm cho một công trình mang tính biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, góp phần tạo giá trị cảnh quan khu vực Hồ Tây, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, từ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đến nay, đã 8 năm trôi qua, nhà hát Thăng Long vẫn chưa được động thổ.

Năm 2017, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - Nguyễn Mạnh Quyền, dự án nhà hát Thăng Long là một trong những dự án chậm triển khai vì ngân sách thành phố có hạn nên Sở muốn chuyển hình thức đầu tư.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội -  Tô Văn Động mới đây cho biết, thành phố đã tạm dừng dự án này và lý do ông được biết là gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.

MỚI - NÓNG