Số ca ngộ độc thuốc cam tăng mạnh

Số ca ngộ độc thuốc cam tăng mạnh
TP - Thông tin từ Viện Hóa học (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam) cho biết, mấy ngày gần đây, số lượng mẫu bệnh phẩm thuốc cam và mẫu máu của các bệnh nhi được nghi là nhiễm độc chì gửi đến Viện Hóa học xét nghiệm tiếp tục tăng.

Dùng thuốc cam, hàng loạt trẻ ngộ độc

Số lượng các mẫu thuốc cam gửi đến Viện Hóa học tiếp tục tăng mạnh Ảnh: Nguyễn Hoài
Số lượng các mẫu thuốc cam gửi đến Viện Hóa học tiếp tục tăng mạnh Ảnh: Nguyễn Hoài .

Năm người ngộ độc chì trong một nhà

Tính đến ngày 28-11, Viện Hóa học đã tiếp nhận 27 mẫu thuốc cam bị nghi nhiễm độc chì, gần gấp đôi số mẫu phân tích cách đây một tuần. Kết quả phân tích cho thấy, tất cả các mẫu thuốc cam trên đều có chứa chì, trong đó 21/27 mẫu thuốc cam có chứa từ 12-23%. Cá biệt có hai mẫu được gửi đến xét nghiệm ngày 24-11 chứa hàm lượng chì lên đến 65,8%.

Nếu tính số lượng bệnh nhân bị nghi nhiễm độc chì gửi mẫu máu và mẫu nước tiểu đến Viện Hóa học xét nghiệm, con số lên hơn 100. Ngoài Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Yên Bái như thông tin đã đưa (xem Tiền Phong số 326, thứ ba ngày 22-11), còn ghi nhận thêm các địa phương khác có hiện tượng sử dụng thuốc cam làm hàng loạt trẻ ngộ độc chì như Hải Phòng, Thái Bình…

Không chỉ dừng lại ở trẻ em, ngộ độc chì do dùng đông dược cũng lây sang ở người lớn. Trường hợp nhiễm độc chì nhẹ nhất cũng ở mức 85 mcg/dl, cao hơn 5 lần ngưỡng an toàn vốn chỉ được phép ở mức 15 mcg/dl.

Trường hợp nhiễm độc chì nặng nhất xét nghiệm ở Viện Hóa học mới đây có hàm lượng chì trong máu lên đến 205 mcg/dl, gấp gần 14 lần mức cho phép. Một gia đình ở Nam Định có tới năm người cùng bị nhiễm độc chì; người nhiều tuổi nhất là 78, người ít tuổi nhất là một cháu bé 4 tuổi, đã tử vong.

Có thuốc đông y chứa chì

Theo Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, trong đông y có sử dụng một loại thuốc có chứa chì được gọi là duyên đơn. Thuốc này được điều chế bằng cách oxide hóa chì hay chế từ chì oxide. Thuốc ở dạng bột, có màu đỏ sẫm tươi hoặc màu cam, dùng trong kỹ nghệ sơn, thủy tinh, tráng men và làm thuốc.

Tây y không sử dụng duyên đơn. Đông y có ghi đây là loại thuốc có vị cay, tính lạnh, không độc, chủ yếu để chế cao dán mụt nhọt và để chế long đờm, chấn tâm, chữa nôn ọe. Tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung cho hay, rất ít bài thuốc đông y sử dụng duyên đơn; nếu có sử dụng, hàm lượng duyên đơn trong bài thuốc rất thấp nên hầu như không gây ảnh hưởng gì.

Một bệnh nhi nhiễm độc chì được điều trị tại BV Nhi T.Ư Ảnh: Nguyễn Hoài
Một bệnh nhi nhiễm độc chì được điều trị tại BV Nhi T.Ư Ảnh: Nguyễn Hoài.

Lương y Vũ Quốc Trung cũng nhận định, loại thuốc màu cam mà các cháu sử dụng và bị ngộ độc chì có thể là duyên đơn hoặc có sử dụng duyên đơn làm thành phần thuốc. Về nguyên nhân khiến việc sử dụng loại thuốc này gây ngộ độc chì hàng loạt, có thể do trước kia, chì được sử dụng làm duyên đơn là chì khoáng vật, hàm lượng chì rất thấp. Hiện nay, có thể một số ông lang sử dụng chì công nghiệp để điều chế duyên đơn nên hàm lượng chì mới cao như vậy.

Một phần khác là do sử dụng thuốc này không đúng cách. Vẫn theo lương y Vũ Quốc Trung, ngay đông y cũng khuyến cáo khi sử dụng duyên đơn “cần dùng cẩn thận, thời gian dùng ngắn, tránh nhiễm độc chì”. Việc có trẻ được cho sử dụng một tuần liên tiếp, lại được bôi trực tiếp lên vết loét, nguy cơ ngộ độc chì rất cao.

Theo TS Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Hóa Phân tích, Viện Hóa học, kết quả phân tích cho thấy chì có trong các mẫu thuốc cam chủ yếu là chì minium hay gọi là chì đỏ, có thành phần hóa học là Pb2PbO4 hoặc Pb3O4, tức là các oxide chì. Đây chính là loại oxide chì công nghiệp mà, theo lương y Vũ Quốc Trung, có thể được dùng điều chế duyên đơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG