Số ca mắc COVID-19 toàn cầu vượt mốc 35 triệu người

Số ca mắc COVID-19 toàn cầu vượt mốc 35 triệu người
TPO - Toàn cầu ghi nhận hơn một triệu ca tử vong vì COVID-19 trong hơn 35,3 triệu người đã nhiễm virus, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia.

214 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 35.376.098 ca nhiễm và 1.041.251 ca tử vong do COVID-19, tăng lần lượt 257.594 và 3.794 ca sau 24 giờ, trong đó, 26.597.333 người đã bình phục.

Mỹ, tâm dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 7.633.469 ca nhiễm và 214.593 người chết, tăng lần lượt 31.004 và 314 ca so với một ngày trước đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/10 thông báo ông và vợ đã mắc COVID-19. Tổng thống có các triệu chứng nhẹ và đã đến bệnh viện quân y Walter Reed để điều trị . Cụm dịch ở Nhà Trắng lan rộng khi phát hiện nhiều phóng viên và quan chức liên quan được xác định dương tính với virus corona.

Trong vòng 1 tuần qua, 9 bang ở Mỹ báo cáo số ca mắc mới tăng kỷ lục, chủ yếu ở khu vực phía tây. Các chuyên gia y tế Mỹ chưa xác định chính xác lý do ca mắc tăng mạnh, song họ chỉ ra sự mệt mỏi của người dân với các biện pháp phòng dịch mà chính phủ đề ra.

Ấn Độ, tâm dịch lớn thứ hai thế giới, hôm qua báo cáo thêm 74.767 ca nhiễm và 902 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì COVID-19 lên lần lượt 6.622.180 và 102.714.

Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ cho biết, một cuộc khảo sát phạm vi quốc gia đã được thực hiện từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 cho thấy khoảng 63,78 triệu người Ấn Độ đã nhiễm COVID-19, cao hơn khoảng 10 lần số liệu được công bố. Có rất nhiều lý do cho điều này, nhưng chủ yếu do người dân không được xét nghiệm đầy đủ.

Ban đầu, COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thành phố lớn bao gồm trung tâm tài chính Mumbai và thủ đô New Delhi, nhưng sau đó đã lây lan đến các vùng nông thôn, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều yếu kém. Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục kêu gọi mọi người tiếp tục đeo khẩu trang khi tới các địa điểm công cộng.

Brazil, tâm dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm người 341 chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 146.352. Số ca mắc mới tăng 8.456 trong 24 giờ qua, lên 4.915.289.

Giới chuyên gia Brazil nhận định nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Chính quyền bang Sao Paulo hồi đầu tháng đã yêu cầu cơ quan quản lý y tế Anvisa đăng ký sử dụng vaccine COVID-19 do công ty Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc phát triển.

Nga đã ghi nhận thêm 107 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 21.358. Số ca nhiễm tăng 10.499, lên 1.215.001. Nga đã nối lại đường bay quốc tế với một số nước từ tháng trước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng trước cảnh báo cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 vẫn còn rất lâu mới tới hồi kết, đề nghị mọi người không được buông lỏng và mất cảnh giác.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 10 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 681.289 ca nhiễm và 16.976 ca tử vong, tăng lần lượt 1.573 và 38 ca.

Chính phủ Nam Phi đã quyết định mở cửa biên giới với tất cả quốc gia châu Phi từ ngày 1/10, trong khi vẫn cấm du khách từ 50 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao, bao gồm Anh, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Pháp. Những người đi lại vì mục đích công việc, nhà ngoại giao, nhà đầu tư và người thi đấu thể thao từ các quốc gia rủi ro cao được phép nhập cảnh trong sự kiểm soát nghiêm ngặt.

Tây Ban Nha, tâm dịch lớn nhất châu Âu, vẫn chưa cập nhật số liệu COVID-19 mới. Nước này hiện báo cáo 810.807 ca nhiễm và 32.086 ca tử vong do COVID-19.

Thủ đô Madrid và 9 thành phố xung quanh từ 2/10 bắt đầu phong tỏa một phần trong 14 ngày. Người dân không được rời khỏi khu vực nếu không vì mục đích thiết yếu nhưng không bắt buộc phải ở nhà. Quán bar và nhà hàng phải đóng cửa từ 23h mỗi ngày, công viên và sân chơi bị đóng cửa, chỉ cho phép tụ tập tối đa 6 người.

Anh ghi nhận 502.978 ca nhiễm và 42.350 ca tử vong, tăng lần lượt 7.982 và 33 trường hợp.

Chính phủ Anh đã thông báo thắt chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội ở khu vực đông bắc đất nước, nhằm ứng phó với tỷ lệ nhiễm nCoV cao và ngày càng tăng tại đây.

Truyền thông Anh hôm 2/10 dẫn lời các nhà khoa học của chính phủ cho biết việc triển khai hàng loạt vaccine COVID-19 ở nước này có thể hoàn thành trong vòng ba tháng.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 26.957 người chết, tăng 211, trong khi tổng số ca nhiễm là 471.772, tăng 3.653. Số ca mắc COVID-19 đã gia tăng ở gần như toàn bộ 31 tỉnh của Iran.

Các trường học, thư viện, nhà thờ Hồi giáo và các cơ sở công cộng khác ở thủ đô Tehran bắt đầu đóng cửa trong một tuần từ ngày 3/10 để ngăn các ca nhiễm ngày càng tăng cao.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 322.497 ca nhiễm và 5.776 ca tử vong, tăng lần lượt 3.190 và 100 ca.

Philippines áp các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh đến ngày 31/10. Các thành viên nhóm chuyên trách COVID-19 của chính phủ cho biết họ không thể lơ là, mặc dù muốn thúc đẩy nền kinh tế.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 303.498 ca nhiễm, tăng 3.992 so với hôm trước, trong đó 11.151 người chết, tăng 96 ca.

Thủ đô Jakarta nối lại các biện pháp giãn cách xã hội trên quy mô lớn từ hôm 14/9, có hiệu lực trong hai tuần, do tình trạng số ca nhiễm mới tăng vọt. Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết điều này là cần thiết nhằm ngăn hệ thống y tế sụp đổ. Bất kỳ ai dương tính nCoV, bao gồm cả những người không có triệu chứng, vẫn bị cách ly bắt buộc tại cơ sở của chính quyền.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 27 người chết và 57.812 người nhiễm, tăng 12 ca. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.

Singapore sẽ thí điểm chương trình thẻ thông hành cho các lãnh đạo doanh nghiệp cần đi công tác thường xuyên, khi họ tiếp tục nới lỏng một số hạn chế liên quan đến COVID-19. Chính phủ cho biết số lượng thẻ sẽ bị giới hạn trong giai đoạn đầu.

Phát ngôn viên WHO Margaret Harris hôm 30/9 thừa nhận việc hơn một triệu người chết vì nCoV trên toàn cầu là "một cột mốc vô cùng đáng buồn", thêm rằng nhiều nạn nhân đã phải ra đi một cách "khó khăn và cô đơn" trong khi gia đình họ không thể nói lời từ biệt. Tuy nhiên, bà Harris chỉ ra "điều tích cực" về đại dịch là nó "có thể ngăn chặn được, không phải bệnh cúm".

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG