Số báo đặc biệt ra ngày Tuyên ngôn Độc lập

TP - Đông Phát là tờ báo đầu tiên ra đúng ngày 2/9/1945, dành phần lớn dung lượng để đưa tin về Lễ Tuyên ngôn Độc lập. Đọc những tin tức của tờ báo ngày đó có thể thấy Lễ Tuyên ngôn Độc lập được chuẩn bị rất chu đáo, rõ ràng. Tờ báo còn đưa nhiều thông tin sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, như giờ đi làm của các công sở bắt đầu từ ngày 3/9/1945, việc tổ chức “Tuần lễ vàng”…
Số báo đặc biệt ra ngày Tuyên ngôn Độc lập ảnh 1

Trang 1 số báo Đông Phát ra ngày 2/9/1945   Ảnh: KIẾN NGHĨA chụp lại

Số báo quý hiếm

Tôi đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với mục đích được xem và tìm hiểu về tờ báo Đông Phát, tờ báo đầu tiên đưa tin về Lễ Tuyên ngôn Độc lập. “Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu được bản gốc duy nhất của số báo Đông Phát xuất bản ngày Chủ nhật 2/9/1945, với hầu hết thông tin về Lễ Tuyên ngôn Độc lập”- Anh Hoàng Ngọc Chính, Phó phòng Tư liệu của Bảo tàng cho biết.

Trước khi đưa tôi đi xem bản gốc tờ Đông Phát, anh Chính cung cấp cho tôi một số thông tin còn lưu lại được về tờ báo này. Tờ báo có tên ban đầu là Đông Pháp, xuất bản từ năm 1925. Ngày 3/9/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, báo Đông Pháp đổi tên thành Đông Phát. Báo có trụ sở tại số nhà 94 phố Hàng Gai (Hà Nội), do ông Ngô Văn Phú làm chủ nhiệm, ông Hoàng Hữu Huy là chủ bút. Sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập, Đông Phát đổi tên là Dân Thanh, để biểu lộ sự đoạn tuyệt  với chế độ cũ, và kỷ niệm nền độc lập của nước Việt Nam mới.

Được anh Chính đưa sang khu trưng bày của bảo tàng, tôi thấy các nhân viên tại đây đang khẩn trương nhưng cũng rất cẩn trọng sắp xếp các hiện vật vào nơi đã định để chuẩn bị cho đợt triển lãm kỷ niệm 75 năm thành lập nước sắp tới. Lúc này tờ Đông Phát đã được lấy từ kho lưu trữ để bày trong tủ kính của gian trưng bày. Tuy có nhiều năm làm báo, từng được tiếp xúc với nhiều tờ báo cũ, nhưng tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy tờ báo Đông Phát được xuất bản cách đây 75 năm, đưa tin chi tiết về Lễ Tuyên ngôn Độc lập của nước nhà. Tờ báo gồm hai trang, giấy đã ngả vàng, nhưng chữ vẫn khá rõ nét nên không khó để đọc nội dung. Do trưng bày chỉ nhìn thấy trang đầu, nên nhân viên bảo tàng đã linh động mở tủ lật mặt sau của tờ báo để tôi được xem và chụp ảnh.

Trong trang đầu của báo Đông Phát, có một phần được đóng khung ghi “Số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc Lập”. Nổi bật trang đầu là bài viết “Việt Nam Độc lập muôn năm” với phần sapo ngắn gọn: “2 giờ chiều hôm nay, toàn thể dân chúng phải tới dự Ngày Độc lập”, rồi lý giải sự “phải” này tại phần nội dung: “Ngày mồng 2 tháng 9 dương lịch là “Ngày Độc lập”, tức là một ngày lễ, một buổi hội họp lớn của Chính phủ tổ chức khắp Trung, Nam, Bắc - huy động toàn thể dân chúng thao diễn và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng tranh đấu kiên quyết cho nền độc lập nước nhà. Vậy thì, không vì một lẽ gì, người công dân Việt Nam không biết nghĩ đến sự sống còn của đất nước, không vì một lẽ gì không tới dự “Ngày Độc lập” để tranh đấu cho sự sống còn ấy - dù mới chỉ là cuộc tranh đấu quyết liệt bằng tinh thần…”. Cũng trong bài viết này, Đông Phát cũng nhắc nhở dân chúng: “Lần đầu tiên, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh ra mắt đồng bào. Dân chúng cần phải chỉnh tề hàng ngũ đông đủ và chặt chẽ quanh Chủ tịch. Việc làm ấy không riêng là ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng để tỏ rõ hơn một lần nữa rằng toàn thể đồng bào rất tín nhiệm ở Chính phủ lâm thời – một Chính phủ dân chủ cộng hòa không phân biệt đảng phái, mà chỉ biết có phụng sự quốc gia, tranh đấu lấy nền hoàn toàn độc lập”.

Số báo đặc biệt ra ngày Tuyên ngôn Độc lập ảnh 2Sơ đồ chỉ dẫn chỗ dành riêng cho các giới cũng như lối vào Quảng trường Ba Đình được đăng trên báo Đông Phát Ảnh: KIẾN NGHĨA chụp lại

Lễ Tuyên ngôn Độc lập được chuẩn bị chu đáo

Bên cạnh bài viết trên, tờ Đông Phát còn nhiều thông tin chi tiết về Lễ Tuyên ngôn Độc lập sẽ diễn ra trong ngày. Với những nội dung được đăng tải trong một số bài viết và tin tức trong số báo, có thể thấy ngày ấy, dù trong thời gian ngắn, Chính phủ ta đã chuẩn bị rất kỹ cho ngày Tuyên ngôn Độc lập. Trong “Chương trình chính thức cuộc mít tinh và biểu tình tại Hà Nội (có sửa đổi khác chương trình cũ)”, Đông Phát đưa tin chương trình sẽ mở đầu bằng việc bắn súng đón chào Chính phủ lâm thời, tiếp đến là lễ chào cờ; hát bài “Tiến quân ca”; đại biểu Ban tổ chức đọc chương trình khai hội và giới thiệu Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố về nền Độc lập Việt Nam và chính thể Dân chủ Cộng hòa, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chính phủ tuyên thệ trước quốc dân…

Số báo Đông Phát ngày ấy không có ảnh, nhưng một nét chấm phá trong số báo này là hình vẽ sơ đồ ghi rõ chỗ dành riêng cho các giới cũng như lối vào Quảng trường Ba Đình. Hàng ngũ tham dự mít tinh được sắp xếp trong buổi lễ cũng được chỉ dẫn một cách cụ thể. Theo đó, các đoàn thể đến họp ở vườn hoa Ba Đình phải tới trước 13 giờ để Ban trật tự xếp chỗ. Đoàn thể nào đến sau giờ khai mạc sẽ bị giữ lại dọc đường. Dân chúng mỗi phố đến dự biểu tình phải xếp đặt theo thứ tự: nhi đồng, người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên và bắt buộc phải có đội tự vệ đi kèm để trật tự lúc nào cũng được bảo đảm.

Số báo đặc biệt ra ngày Tuyên ngôn Độc lập ảnh 3

Khách tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia   

Bên cạnh những thông tin về Lễ Tuyên ngôn Độc lập, báo Đông Phát còn đăng tin về công việc của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những ngày tiếp theo. Đơn cử, bắt đầu từ ngày 3/9/1945, giờ làm việc tại các công sở Bắc bộ sẽ được đổi lại, sáng từ 6 giờ 30 đến 11 giờ, chiều từ 2 giờ đến 5 giờ. Hoặc “Sau ngày Độc lập, nay mai sẽ tổ chức một Tuần lễ Vàng (sau này được tổ chức từ ngày 17 đến 24/9/1945-PV) để toàn thể nhân dân có thể tùy nhiều ít đem vàng tặng Chính phủ giúp vào việc quốc phòng”…

Với những thông tin của số báo Đông Phát xuất bản đúng ngày Tuyên ngôn Độc lập, có thể thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với quốc dân đồng bào ngay từ buổi đầu thành lập nước. Sau 75 năm, số báo Đông Phát ra ngày 2/9/1945 đã trở thành một phần ký ức của lịch sử.

Đến nay, khi được xem tờ báo Đông Phát và đọc từng thông tin trong đó, chúng ta không chỉ hiểu rõ thêm về Lễ Tuyên ngôn Độc lập năm xưa đã được tổ chức quy củ ra sao, mà còn thấy được một phần diện mạo của báo chí lẫn ngôn ngữ của Việt Nam trong ngày đầu nước nhà độc lập.

Ngoài những thông tin về Lễ Tuyên ngôn Độc lập, tờ Đông Phát còn đăng tin để dân chúng Hà Nội trong Ngày Độc lập biết như: “Hôm nay, tất cả các rạp hát, chiếu bóng, tiệm ăn lớn nhỏ sẽ biểu diễn và làm những món ăn cùng trò vui với giá tiền đặc biệt”. Bên cạnh đó, tờ báo cũng đăng tin một số mặt hàng được giảm giá để phục vụ người dân khi nước nhà độc lập.

MỚI - NÓNG