Người dân đảo Síp đổ xô đi rút tiền vì lo sợ bị đánh thuế. |
Những biến cố chủ yếu của “cuộc chiến cứu đảo Síp” trong những ngày vừa qua diễn ra trên 3 mặt trận: tại Mátxcơva, tại đảo Síp và tại Ủy ban châu Âu (EC).
Mặt trận Mátxcơva
Bộ trưởng Tài chính đảo Síp Mikhalis Sarris ngay sau khi đến Mátxcơva đã ngay lập tức gặp gỡ các quan chức Nga. Trước hết, ông đến Bộ Tài chính Nga và thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cùng các đại diện của Ngân hàng Trung ương Nga.
Sau một tiếng rưỡi hội đàm, ông bước ra mà không nhận được gì hết, tuy nhiên ông vẫn khẳng định với các nhà báo là cuộc gặp rất xây dựng và trung thực.
Từ Bộ Tài chính, ông Sarris đi thẳng đến gặp Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov. Nhưng ông cũng không đạt được bất kỳ thoả thuận nào.
Điều này chẳng có gì khó hiểu: việc lấy tiền trong ngân sách Nga chi cho đảo Síp (đảo Síp ban đầu muốn gia hạn khoản tín dụng 2,5 tỷ euro hoặc nhận thêm 5 tỷ euro nữa) không phải là vấn đề mà cả Bộ trưởng Siluanov lẫn Phó Thủ tướng Shuvalov có thể tự mình quyết định.
Người duy nhất có thể giải quyết vấn đề hệ trọng này là Tổng thống Putin nhưng Thư ký báo chí của Tổng thống tuyên bố ngay, ông Putin không có kế hoạch gặp phái viên của đảo Síp.
Bộ trưởng Tài chính đảo Síp Sarris tất bật ở Mátxcơva. |
Chính phủ Nga cũng không có kế hoạch gặp Bộ trưởng Tài chính đảo Síp. Nhưng Sarris nhất quyết không chịu tay không trở về. Kết quả đã xảy ra một “sự cố” ngoại giao: ngày 21/3, trước cuộc gặp giữa các đại diện của Chính phủ Nga với đại diện của Ủy ban châu Âu, phái viên thường trực của Nga bên cạnh EC là Vladimir Truzhov cho biết Bộ trưởng Tài chính đảo Síp không được mời nhưng vẫn có mặt”.
Theo báo chí Nga, sứ mệnh của Bộ trưởng Sarris tại Mátxcơva thất bại vì Mátxcơva giữ một lập trường cứng rắn trong việc cung cấp tín dụng cho đảo Síp. Hơn thế nữa, ông Sarris không đem theo những đề nghị rõ ràng có thể thuyết phục được Mátxcơva.
Mặt trận đảo Síp
Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội đảo Síp về dự luật đánh thuế các khoản tiền tiết kiệm, không một Nghị sĩ nào bỏ phiếu thuận mặc dù trước đó có tới gần một nửa số Nghị sĩ tuyên bố tán thành. Bởi lẽ, họ biết bỏ phiếu thuận đồng nghĩa với tự sát, chính trường đảo Síp sẽ nổi sóng và sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn.
Thay vào đó, các chính khách (cả của phe đối lập cũng như của Liên minh cầm quyền) lại ngồi vào bàn thương lượng để soạn thảo “phương án B”. Theo nhận xét hài hước của các nhà báo, nếu tìm được “phương án B”, các Nghị sĩ đảo Síp chắc chắn sẽ nhận được giải Nobel Toán học. Dĩ nhiên, họ không thể tìm được cách nào “vẹn cả đôi đường”, tức là vừa lấy được tiền vừa không làm ai phật lòng.
Kết quả là đến tối 21/ 3, đảo Síp cự tuyệt hẳn ý định đánh thuế các khoản tiền tiết kiệm và dường như cũng không tìm được cách nào thay thế. Nhưng thời gian bắt đầu gây sức ép. Không một nền kinh tế nào trên thế giới có thể hoạt động bình thường nếu các ngân hàng đã đóng cửa được hơn một tuần và vẫn chưa dự định mở lại.
Mặt trận EC
Ngày 21/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu đề xuất tối hậu thư cho đảo Síp, đòi nước này phải chấp nhận những điều kiện trợ giúp của Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Thế giới trước ngày 25/3. Nếu không, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ ngừng trợ giúp tài chính cho đảo Síp.
Hiện chưa có những quy tắc rõ ràng về việc rút ra khỏi khu vực đồng euro. Đối với bản thân đảo Síp, kết cục như vậy là đau đớn nhưng lại dễ hiểu, hợp lý. |
Nói cách khác, đảo Síp phải nhanh chóng tìm được gần 6 tỷ USD từ những nguồn nào thoả mãn được các đòi hỏi của EC, nếu không hệ thống ngân hàng của đảo Síp sẽ sụp đổ.
Theo các quan chức EC, đảo Síp chỉ có một cách duy nhất là thoả thuận với EC và chấp nhận mọi đòi hỏi khắc nghiệt của EC.
Như vậy, trên cả 3 mặt trận đảo Síp đều lâm vào thế bế tắc. Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích không loại trừ khả năng đảo Síp sẽ ra khỏi khu vực đồng euro và đây cũng không phải phương án tồi tệ nhất. Quả thật trong lịch sử khu vực đồng euro chưa có tiền lệ nào như vậy.
Ngọc Thoa
Theo Lenta.ru