Sáng 5/12, tại một siêu thị thời trang ở phố Ngọc Khánh (Hà Nội), các nhân viên bán hàng, chủ yếu là sinh viên đang sắp xếp lại hàng hóa. Hoàng Thị Thơ (sinh viên năm thứ tư, ĐH Hà Nội) cho biết, hơn 6h sáng em đã phải dậy, đi xe bus từ Thanh Xuân đến đây để dọn hàng.
Mặc dù cuối năm, bài vở bận rộn nhưng ngay từ đầu tháng 11, em đã tranh thủ đăng kí làm thêm. Nếu bán quán cà phê sẽ có thu nhập khá hơn nhưng lại phức tạp vì nhiều thành phần khách. Vì vậy, Thơ và một số bạn đăng kí bán quần áo. Trung bình mỗi giờ làm, em được trả 13.000 đồng. Với 6 tiếng bán hàng/ngày, mỗi tháng Thơ cũng có khoảng 2,4 triệu đồng.
Thơ cho biết, quê em ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Bố mẹ em đều làm nông nên mỗi tháng gia đình cố gắng gửi cho con gái 2 triệu đồng để chi tiêu cho các khoản tiền học, tiền thuê nhà, ăn uống … Hiện, Thơ cùng 5 bạn nữa thuê chung phòng trọ với giá 1,8 triệu đồng/tháng. Hàng tháng đi làm thêm thế này, em cũng có đồng ra đồng vào. Đặc biệt, những tháng áp Tết, em cố gắng làm thêm nhiều hơn để về quê sắm ít đồ Tết, đỡ đần cho gia đình.
Cũng là nhân viên bán hàng quần áo, Lan Anh (sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội) cho biết, bố mẹ chưa biết em vừa đi học vừa tranh thủ làm thêm. Ban ngày, em bán hàng khoảng 6 tiếng đồng hồ. Đến 3h chiều, em về nghỉ ngơi để tối đi học. Lan Anh quê ở Tiền Hải, Thái Bình, đang học liên thông năm thứ 4 tại ĐH Công nghiệp Hà Nội. Lan Anh cho biết, mấy năm nay, cứ gần Tết là em đăng kí đi làm thêm.
Những ngày thứ Bảy và Chủ nhật, việc nhiều nên em thường chạy rã cả chân, thậm chí không còn thời gian để ăn trưa. Để đỡ chi phí, buổi trưa em thường ăn bánh mì (10.000 đồng/chiếc), uống nước lọc hoặc sang hơn thì có thêm hộp sữa tươi. Từ giờ đến cận Tết, em sẽ cố gắng làm nhiều hơn. Với gần 2 triệu đồng tiền lương/tháng làm thêm, em sẽ để dành để mua sắm ít đồ Tết cho bố mẹ, mua cái áo ấm mới cho mình và đặc biệt là mua tặng bố cái áo phao vì bố rất thích nhưng mãi vẫn chưa mua được.
Cảnh giác với những chiêu lừa đảo
Theo Lan Anh, sinh viên tìm việc thường qua bạn bè, anh chị khóa trước giới thiệu hoặc tìm qua trang thông tin tuyển người trên mạng Internet. Nếu có việc làm qua sự giới thiệu thì yên tâm hơn nhưng cơ hội không nhiều, còn tìm việc trên mạng sẽ rất nguy hiểm vì hiện nay lắm đơn vị lừa đảo, bắt sinh viên đóng các loại phí nhưng không hoàn trả.
Sinh viên bán sim tại chợ Nhà Xanh, Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Hạnh Nguyên). |
“Đi làm thêm rất vất vả, mới 6h sáng, khi trời còn tối mờ em đã dậy để đi xe bus đến chỗ làm. Buổi trưa, lúc đông khách, em phải ăn quá bữa là bình thường. Buổi tối, nhiều bạn đi làm đến 10h đêm mới về, có khi không kịp bắt chuyến xe bus cuối cùng trong ngày. Thế nhưng, chỉ cần một chút bất cẩn là có thể phải đền tiền hàng, coi như tiền công của tháng ấy không có. Hoặc một bạn làm mất hàng nhưng không quy được trách nhiệm cho ai thì phải chia đều số tiền mất ấy trên tổng số nhân viên để đền”, Lan Anh chia sẻ.
Đặc biệt, những ngày gần đây, dư luận đang rộ lên việc các sinh viên được “thuê nóng” để bán sim điện thoại. Tại chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy), tầm 4h30 chiều lại có nhiều tốp sinh viên đứng ra mời chào khách mua sim điện thoại “sinh viên”. Một số người cho biết, đây là những sim đã được kích hoạt, cấm lưu hành nhưng một số công ty thuê sinh viên bán với giá từ 140.000 - 200.000 đồng/sim. Nếu nhìn kĩ, có thể thấy các sim này đều được dán lại bằng băng dính, không như những sim thông thường khác.
Một số sinh viên phản ánh, để được bán hàng ở đây, các em phải nộp chứng minh nhân dân hoặc thẻ sinh viên gốc, thậm chí cả tiền mua đồng phục cho một công ty tư nhân. Theo số điện thoại mà một sinh viên đưa cho, chúng tôi gọi đến công ty tư nhân này xin làm thêm. Người phụ trách công ty cho biết, hiện có quá nhiều sinh viên đăng kí chờ được gọi đi làm nên công ty chưa có việc làm ngay cho chúng tôi.
Lương cứng của mỗi sinh viên bán sim ở các khu vực nội thành Hà Nội là 50.000 đồng/ca (mỗi ca khoảng 2 tiếng rưỡi), ngoài ra sẽ được thưởng theo doanh số bán hàng. Khi được hỏi về khoản tiền đồng phục phải đóng, người phụ trách này cho biết, các em được mặc áo phông đồng phục khi bán hàng. Tùy trường hợp, có phải đóng tiền mua đồng phục hoặc không còn do công ty kiểm tra lại.
Trong những tháng cận Tết, có nhiều công việc rất phù hợp với người lao động muốn làm thêm để tăng thu nhập. Các bạn sinh viên cần chọn cho mình những công việc phù hợp như: Giới thiệu sản phẩm, phát tờ rơi, kiểm tra chất lượng sản phẩm, phục vụ nhà hàng quán ăn, đóng gói bánh kẹo, bán hàng tại siêu thị... Ngoài ra, làm thêm cũng là dịp để sinh viên rèn kỹ năng giao tiếp, tích lũy kinh nghiệm sau này.
Từ nay đến 20/2/2014, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên triển khai chương trình “Việc làm Tết cho sinh viên”, giúp các bạn sinh viên có nhu cầu tìm việc làm thêm trong dịp Tết Giáp Ngọ. Hiện, mỗi ngày Trung tâm tư vấn và hướng dẫn khoảng 120 sinh viên đến đăng ký tìm việc. Bước đầu, Trung tâm đã mời gọi được 350 đơn vị tuyển dụng với 4.000 đầu việc, đáp ứng tương đương với lượt sinh viên có nhu cầu tìm việc. Các việc làm được tuyển dụng nhiều trong dịp Tết như: phục vụ tiệc, tiếp thị sản phẩm, gói quà Tết, tư vấn hỗ trợ khách hàng, vận chuyển hàng hóa, tặng lịch, phát bao lì xì, bảo vệ, phụ việc nhà... |
Theo Gia đình & Xã hội