Sinh viên vào mùa... bán duyên

Sinh viên vào mùa... bán duyên
Người xưa quan niệm con gái bê tráp đám cưới sẽ mất duyên, còn ngày nay nghề thời vụ này giúp sinh viên kiếm thêm thu nhập để trang trải việc học hành.

Sinh viên vào mùa... bán duyên

> Sinh viên kiếm tiền bằng nghề... bán duyên
> Có một Cty “bán duyên”

Người xưa quan niệm con gái bê tráp đám cưới sẽ mất duyên, còn ngày nay nghề thời vụ này giúp sinh viên kiếm thêm thu nhập để trang trải việc học hành.

Mùa cưới, nhiều đôi uyên ương ở Hà Nội thường thuê trọn gói dịch vụ cưới. Cô dâu chú rể ít bạn bè, công việc bê tráp lễ ăn hỏi cũng được giao cho sinh viên làm thêm. Lại Hằng (23 tuổi) đã lập nhóm cung cấp nam nữ bê tráp, đỡ lễ cho các đám ăn hỏi. Đó là những nam thanh nữ tú có ngoại hình cao ráo, ưa nhìn và cao bằng nhau.

Những cô gái đi bán duyên chủ yếu là sinh viên có ngoại hình xinh xắn. Ảnh: Lại Hằng
Những cô gái đi bán duyên chủ yếu là sinh viên có ngoại hình xinh xắn. Ảnh: Lại Hằng.

Đội bê tráp của Hằng có trên 200 người phục vụ thường xuyên trong mùa cưới, đa số là sinh viên. Tiền công mỗi lần bê tráp được 50.000-100.000 đồng, cộng với phong bao lì xì. Tiền phong bao tùy thuộc vào độ hào phóng của gia chủ, thường dao động 30.000-50.000 đồng.

Hằng kể từng nhận được phong bao 500.000 đồng của một gia đình giàu có bởi họ quan niệm lì xì nhiều là thêm lộc, nhiều phúc. "Những lần như vậy cực kỳ hiếm. Có gia đình chỉ cho 10.000 đồng hoặc không có gì vì họ nghĩ số tiền trên đã nằm trong tiền thuê dịch vụ", Hằng cho biết.

Công việc tưởng chừng an nhàn, chỉ việc mặc đẹp và bê đồ lễ này cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt. Từng nhiều lần đi bê tráp, Thu Hương, sinh viên ĐH Thăng Long kể, nhiều gia đình mang tiếng thuê nhưng họ coi đội bê tráp như người thân trong nhà, xong việc cảm ơn chu đáo hoặc giữ lại ăn cơm. Cũng có chủ nhà khó tính, sai nhiều việc vặt và mặc nhiên coi đó là việc đội bê tráp vì họ đã bỏ tiền ra thuê.

Hương kể, có lần đội bê tráp 9 người nhận phục vụ đám cưới ở phố Hàng Mã. Cô dâu rất xinh đẹp, gia đình giàu có nên yêu cầu đội hình bê tráp cũng phải xinh xắn, cao ráo. Nữ mặc áo dài màu hồng mũ mấn còn nam áo the khăn đóng. Để chiều lòng gia chủ, nhóm bê tráp đã phải đi đổi áo dài hai lần, đến nơi còn được yêu cầu là phẳng phiu lại một lần nữa trước khi mặc.

Chủ nhà cẩn thận nên cả đội không dám lơ là vì sợ có sai sót. Cô dâu chú rể là nhân vật chính còn đội bê tráp chỉ làm nền cho đẹp nên cố gắng sao phục vụ cho tốt. Hôm đó, đội bê tráp phải đợi từ 10h sáng, đến 15h mà nhà trai vẫn chưa đến. Ai nấy đều đói và mệt trong khi buổi trưa không được ăn gì.

Tiền công cho mỗi lần bê tráp là 50.000 đồng. Ảnh: Lại Hằng
Tiền công cho mỗi lần bê tráp là 50.000 đồng. Ảnh: Lại Hằng.

"Kết thúc ngày làm việc, mỗi người nhận được phong bao 10.000 đồng mà không dám kêu ca vì đó là tấm lòng của gia chủ. Buồn nhất khi thanh toán tiền, họ lấy lý do có bạn trong đội hình không đẹp nên không trả tiền thuê áo dài", Hương kể. Hôm đó coi như cả nhóm đi làm không công.

Hải Yến (ĐH Công đoàn) vẫn nhớ như in kỷ niệm buồn lần đầu đi bán duyên. Đội của cô nhận bê tráp cho một đôi uyên ương ở Mỹ Đình. Xong việc, ai nấy nhận tiền công và vui vẻ ra về. Một lúc sau, chủ nhà gọi điện mắng té tát vì nghi ngờ họ lấy trộm chiếc máy ảnh đắt tiền. Mặc cho cả nhóm giải thích, chủ nhà vẫn không nghe và dọa đưa sự việc ra công an.

"Tối hôm đó, họ gọi điện lại dịu giọng xin lỗi bọn mình vì đã tìm thấy chiếc máy ảnh. Hóa ra người nhà cất mà không báo. Cả bọn yên tâm vì không làm gì sai nhưng vẫn cảm thấy tủi thân nhiều lắm", Yến tâm sự.

Với nhiều sinh viên, công việc bê tráp thuê không chỉ đem lại nguồn thu nhập mà còn có những niềm vui nho nhỏ. Hải Yến nhớ mãi một đám cưới ở Từ Liêm. Gia đình chỉ có hai mẹ con, họ hàng neo người nên sau đám ăn hỏi, đội bê tráp được thuê luôn làm người thân của cô dâu. Hôm cưới, cả đội đến giúp việc, tiếp khách, lo trà nước cho nhà cô dâu. Đám cưới chỉ có các cụ già nên sự có mặt của nhiều bạn trẻ khiến không khí xôm tụ hẳn lên.

Lần đó, Yến cũng như nhiều bạn trong đội bê tráp cảm thấy vui khi nhìn nụ cười rạng ngời của người mẹ và nước mắt hạnh phúc của cô dâu, bất giác nghĩ đến một ngày nào đó, mình cũng sẽ được như thế. Công việc làm thêm mang lại cho cô sinh viên quê Ninh Bình thu nhập hơn một triệu đồng mỗi tháng. Đổi lại việc học cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Phần lớn mùa cưới diễn ra từ tháng 10 đến hết năm. Đây là thời gian cao điểm ôn thi nên nhiều khi có đám cưới, Yến đành từ chối vì không muốn ảnh hưởng đến việc học.

Dân gian quan niệm, con gái đi bê tráp cho đám cưới là mất duyên, sẽ khó lấy chồng, nên thường chỉ được làm công việc này tối đa 3 lần. Hải Yến thì nghĩ khác. Cô cho rằng đó là công việc thêm duyên, vì mình đang làm sợi dây nối duyên cho cô dâu chú rể, cho cả họ hàng hai bên.

"Có duyên hay không là do tính tình, cách cư xử của mình với người khác. Mỗi lần bê tráp lại được mặc áo dài đỏ truyền thống thì ai bảo là không có duyên", Yến nói.

Theo Thanh Hòa
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.