Đối với sinh viên năm thứ nhất, dù đã học được một học kỳ nhưng giờ mới được chính thức “mục sở thị” trường với nhiều bỡ ngỡ và bắt đầu cuộc sống ở môi trường xa lạ.
Tân sinh viên trường ĐH Thuỷ lợi làm thủ tục nhập học. Ảnh TLU |
Chính vì vậy, các trường đưa ra các khuyến cáo cũng như cảnh báo để sinh viên lường trước các tình huống có thể phát sinh trong quá trình lên thành phố nhập học.
Trường Đại học Hà Nội đã đưa ra một số lưu ý đối với sinh viên khi trở lại trường, đặc biệt là sinh viên năm nhất đến từ các tỉnh.
Trong đó, nhà trường hướng dẫn nếu phải đi bằng các phương tiện vận tải công cộng, sinh viên lưu ý các biện pháp phòng chống dịch nơi đông người như khẩu trang y tế, giữ khoảng cách…
Nếu đi bằng xe ôm, nên đặt xe ôm công nghệ qua phần mềm, bật định vị điện thoại khi di chuyển và xem trước lộ trình từ bến xe đến trường.
Không mang nhiều tiền trong người, mọi thứ nên chuyển khoản nếu có thể.
Trước khi đến trường học trực tiếp, cần nắm rõ lịch học tại trường.
Đồng thời cung cấp tất cả các đường dây nóng đối với các khoa đào tạo, quản lý ký túc xá cũng như Phòng công tác sinh viên. Không những thế, trong quá trình di chuyển đến Trường, nếu cần hỗ trợ, sinh viên có thể liên lạc với số Hotline của trường.
TS Lưu Hữu Đức, Trưởng ban Công tác Chính trị và Sinh viên, Học viện Tài chính, cũng lưu ý đối với tân sinh viên, khi mới bước vào môi trường đại học - nơi cuộc sống phố thị, ngoài việc được các cơ sở đào tạo, đoàn thể như Đoàn thanh niên, hội sinh viên… trang bị, chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập, thì bản thân sinh viên cũng nên tự trang bị cho mình một số kỹ năng như:
Xác định mục tiêu của bản thân. Việc này có thể đã được hình thành từ sớm, từ khi còn là học sinh. Kỹ năng này cần được bổ sung và phát triển khi trở thành sinh viên.
Tự nhận thức, mỗi sinh viên khi bước chân vào giảng đường đại học đều tham gia khóa học chính trị đầu khóa. Tại khóa học này, sinh viên có thể chia sẻ những suy nghĩ, nhìn nhận của bản thân trong việc nhận thức các vấn đề mới khi có sự thay đổi môi trường học tập.
Qua đây, những nhận thức của mình có thể được nâng cao và được chia sẻ “đúng - “sai”. Việc tự nhận thức các vấn đề theo định hướng của cơ sở đào tạo và thầy cô giáo luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành thói quen, kỹ năng tự nhận thức các vấn đề cho sinh viên.
Ra quyết định và xử lý vấn đề: Khi sinh viên có kỹ năng tự nhận thức các vấn đề, biết được “đúng - sai” thì việc quyết định và xử lý vấn đề theo hướng đúng đắn sẽ không còn là khó khăn, và nó trở thành kỹ năng của chính bản thân bạn.
Làm việc độc lập, làm việc nhóm: Đây luôn là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại. Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm giúp sinh viên trưởng thành hơn, phát huy được sức mạnh của bản thân và tập thể trong giải quyết các công việc, trong học tập, cuộc sống và sự nghiệp sau này.
Việc tham gia các hoạt động tập thể do trường, lớp, đoàn thanh niên, hội sinh viên tổ chức là một trong những gợi ý để sinh viên có thể rèn luyện kỹ năng này.