Sinh viên tạm trú thành công dân phường

Lễ ra mắt Khu dân cư công nhân sinh viên tự quản tổ 39, phường Hòa Khánh Bắc. Ảnh: H.V
Lễ ra mắt Khu dân cư công nhân sinh viên tự quản tổ 39, phường Hòa Khánh Bắc. Ảnh: H.V
TP - Công nhân, sinh viên tham gia trực tiếp vào các hoạt động của phường, ý thức trách nhiệm và tuân thủ những quy định của phường, gắn kết với nhân dân, phối hợp giữ gìn an ninh trật tự, hạn chế các tệ nạn và bảo vệ môi trường.

> Gần 130 bạn trẻ xin tham gia dự án Phó chủ tịch xã ở Nghệ An
> Làm Phó Chủ tịch xã phải có chương trình hành động

Đó là mô hình 'Mỗi công nhân, sinh viên là một công dân phường' đang được triển khai ở phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Lễ ra mắt Khu dân cư công nhân sinh viên tự quản tổ 39, phường Hòa Khánh Bắc. Ảnh: H.V
Lễ ra mắt Khu dân cư công nhân sinh viên tự quản tổ 39, phường Hòa Khánh Bắc. Ảnh: H.V.
 

Yên tâm học tập

“Toàn phường có 40 ngàn dân thì hơn 50% là công nhân, sinh viên (CN-SV). Việc quản lý rất khó. Do vậy tạo ra một mô hình để gắn kết, phát huy khối đoàn kết và xây dựng khu dân cư là điều cần thiết” - ông Nguyễn Tri Thám - Chủ tịch mặt trận phường Hòa Khánh Bắc, lý giải về nguyên nhân ra đời của mô hình này

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch và Khu công nghiệp Hòa Cầm đều nằm trên địa bàn phường. Tổng cộng số CN-SV đăng ký tạm trú lên tới 21 nghìn người. Cách quản lý truyền thống chưa hiệu quả, không đi sát vào đời sống của từng người, dẫn đến thiếu ý thức tự giác, quản lý lỏng lẻo, là kẽ hở để tệ nạn xã hội len lỏi. Mô hình ra đời, lập tức phát huy hiệu quả.

Đều đặn hằng tháng, các CN-SV lại được sinh hoạt thường kỳ. Ngoài giao lưu văn nghệ, kết hợp tuyên truyền về ANTT và vệ sinh môi trường, đóng góp ý kiến xây dựng khu phố văn minh, BQL kết hợp với Công an phường triển khai tuyên truyền phòng chống và hạn chế các tệ nạn xã hội, mạnh dạn tố cáo và giúp đỡ công an trong điều tra tội phạm.

“Những thước phim rất thực, sinh động giúp em hiểu hơn về những mánh khóe của tội phạm trộm cắp từ đó đề phòng mất cắp và tham gia bảo vệ tài sản chung” - Võ Công Tuân - SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng, chia sẻ. Ra đời tháng 3-2011, đến nay đã có 39/63 tổ dân phố xây dựng mô hình.

Công nhân hết đơn độc

“Các CN-SV đều là người ở xa tới. Gia đình không trực tiếp quản lý được các em mà chỉ có chủ trọ, nhà trường và địa phương. Việc kết hợp để quản lý đồng thời đánh vào ý thức tự quản của các em hoàn toàn có cơ sở để phát triển bền vững, lâu dài” - Ông Nguyễn Tri Thám - Chủ tịch Mặt trận phường Hòa Khánh Bắc, Trưởng ban CN-SV tự quản, nói.

Cả ngày cặm cụi với công việc, rồi tăng ca, tối về lủi thủi một mình cuộc sống buồn tẻ. Nên khi có mô hình này, chị Trịnh Thị Hằng, 23 tuổi, công nhân KCN Hòa Cầm, vui vẻ: “Mô hình này giúp công nhân, sinh viên và chủ trọ xích lại gần nhau hơn, không còn cảm giác mình đi thuê trọ, ở nhờ. Những buổi sinh hoạt cộng đồng giúp mình có thêm nhiều kiến thức bổ ích, cần thiết trong cuộc sống hằng ngày”.

Hơn 20 SV-CN của xóm trọ ông Lê Văn Tứ (tổ 39, phường Hòa Khánh Bắc) yên tâm vì chưa một lần bị trộm, hoặc xảy ra đánh lộn. “Xóm trọ luôn tuân thủ nền nếp đúng giờ giấc. Xóm quán triệt không nhậu nhẹt, thuốc lá, tập trung bạn bè gây ồn ào, và giữ gìn vệ sinh chung. Chỉ tối thứ bảy cả xóm xả strees, cho phép giao lưu hát hò, nhưng phải nghỉ trước 10 giờ đêm” - ông Tứ chia sẻ.

Mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, các công nhân, sinh viên lại tham gia dọn vệ sinh môi trường xung quanh xóm trọ. Không còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Mọi người trong xóm xem nhau như anh em, nhắc nhở nhau học tập và làm việc tốt.

“Từ khi mô hình được triển khai, không khí trong tổ phấn khởi hẳn lên. Mọi người gần gũi, thân thuộc, đường sá sạch sẽ vì mọi người luôn ý thức giữ gìn vệ sinh chung” - ông Tứ hồ hởi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG