Sinh viên sợ thể dục: Lỗi tại đâu?

SV Trường ĐH Bách khoa học thể dục – Kim Chi.
SV Trường ĐH Bách khoa học thể dục – Kim Chi.
TPO - Sinh viên sợ thể dục có nguyên nhân do cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, nhưng phần lớn chính tại bản thân sinh viên chưa chú ý rèn luyện sức khỏe.  

Nói về việc sinh viên lười, sợ tập thể dục, thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng chúng ta không nhận thức đúng vai trò của thể dục. Từ mầm non đến THPT, mỗi lứa tuổi đều đòi hỏi một hoạt động giáo dục thể chất tương ứng để phát triển thể chất và tinh thần. Lên đến ĐH, sinh viên đã là người trưởng thành, là thanh niên nên đòi hỏi, yêu cầu rèn luyện, phát triển thể chất phải khác nữa. Ở cấp học dưới, học sinh phải đủ vận động để phát triển, nhưng lên ĐH còn cần nhiều hơn thế để cân đối hoạt động thể chất của sinh viên với hoạt động khác thì sẽ bị ảnh hưởng đến mặt phát triển tinh thần, phát triển trí tuệ. Hai nguyên lý luôn đi với nhau, từ cấp dưới lên cấp cao.

“Nhưng lý thuyết và ở nước ngoài là thế. Còn ở ĐH của Việt Nam, các trường có quan niệm sai khi bắt sinh viên phải tập các bài cơ bản. Điều này là không đúng. Việc tập các bài cơ bản sinh viên phải làm thường xuyên hàng ngày ở nhà. Đến trường, phải có điều kiện để mỗi sinh viên theo sở thích, theo khả năng, năng lực của mình phát triển những hứng thú riêng.

Người thích bóng rổ, người thích bóng đá, người thích  thể dục thẩm mỹ... những cái này sinh viên phải được tạo điều kiện tự do phát triển. Còn hiện nay, của chúng ta, ĐH đang là phổ thông cấp 4, lại thi, kiểm tra, tính điểm là không đúng” – thầy Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.

Nhiều chuyên gia giáo dục thể chất cũng cho hay, có lẽ do quan niệm sai lầm trên đã biến môn thể dục thành thứ tiêu cực trong trường ĐH.

Lẽ ra khoa giáo dục thể chất của các trường ĐH phải có nhiệm vụ tổ chức giải này, giải kia, tổ chức điều kiện cho sinh viên tập, hoặc hướng dẫn họ làm có tính chất bài bản, chất lượng hơn. Còn hiện nay, môn thể dục như một cái dây, căng ra, ai vượt qua mức nào đó mới đạt điểm. Sự nhầm lẫn này dẫn đến việc nhiều sinh viên không đáp ứng được  nên phải “hối lộ” để qua.

Mặt khác, cũng phải thấy rằng, giáo dục thể chất ngoài vận động, còn có một vấn đề là tự lắng nghe cơ thể mình để hiểu biết việc làm sao cho cơ thể mình khỏe, chống được bệnh tật, thắng được xâm nhập của ngoại cảnh. Từ đó để quyết định ăn uống như thế nào, ngủ nghỉ, chơi ra sao, thành kiến thức buộc sinh viên phải có hiểu biết. Thế nhưng khi sinh viên chưa có ý thức để làm những việc như thế cộng với việc nhiều trường ĐH cũng buông lơ nên sinh viên càng coi thường tăng cường thể chất.

Sinh viên cũng lười

Đứng từ góc độ trường ĐH, lãnh đạo phòng đào tạo trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải cho biết, có thực tế, tại Việt Nam, vấn đề rèn luyện thể lực ít được chú trọng. Trong các trường, bản thân sinh viên vẫn còn coi nhẹ điều này.

Thông thường, tỷ lệ sinh viên của trường phải thi lại môn giáo dục thể chất chiếm gần 10%. Trong quá trình học tập, những sinh viên này có cơ hội học lại, thi lại để trả nợ môn. Thực tế khi xét công nhận tốt nghiệp rất hiếm xảy ra tình trạng sinh viên bị chậm ra trường vị môn học này.

Còn tại các trường phổ thông, đa số phụ huynh đều không coi trọng môn giáo dục thể chất. Họ quan niệm đó là môn phụ nên chỉ chú trọng cho con học các môn văn hóa cơ bản để thi. 

Nhiều giáo viên trong trường học cũng khẳng định, người Việt Nam không có ý thức học tập, rèn luyện thể thao bài bản từ nhỏ đến lớn, chính vì vậy nên học sinh, sinh viên ngại học tập thể dục cũng là điều dễ hiểu.

Để học sinh, sinh viên hào hứng với giáo dục thể chất, ông Ngô Quang Huy,  Giám đốc Trung tâm GDTC và thể thao - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng trước hết, trong mỗi giờ lên lớp, giáo viên cần phải tăng cường giáo dục ý nghĩa mục đích môn học, thay đổi cách dạy để tạo ra không khí thi đua trong lớp học, nâng cao năng lực giảng dạy, đặc biệt là phải biết sử dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp và linh hoạt.

Trong mỗi tiết học nên áp dụng phương pháp trò chơi và phương pháp thi đấu, liên tục cổ vũ, khích lệ, động viên để các em có động lực tập luyện. Đưa ra chỉ tiêu phấn đấu ở từng nội dung và toàn lớp học, cải tiến giáo trình phù hợp với nhu cầu và sở thích của học sinh, sinh viên.

Đồng thời, cũng cần phải tạo điều kiện đầu tư về sân bãi và dụng cụ để học tập, tạo dựng phong trào thể dục thể thao tốt ở trong trường, đề cao vị trí môn học giáo dục thể chất như những môn học khác…

MỚI - NÓNG
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
TPO - Nhiều ngày nay, bất kể thời tiết nắng nóng gay gắt, khắp các tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) rộn rã tiếng hô hào của người dân đang cùng nhau đan rọ, bê đá, vá đường nhằm thông tuyến để bà con đi lại thuận tiện.