Sinh viên học trực tuyến: Có kịp tiến độ tốt nghiệp?

TP - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, các trường đại học (ĐH) đều chuyển sang học trực tuyến. Kịch bản xấu nhất đã được các trường đề cập đến nếu thời gian học trực tuyến kéo dài, sinh viên sẽ tốt nghiệp không đúng như kế hoạch ban đầu.

Chưa trở lại trường vì vẫn trong thời gian nghỉ Tết, Nguyễn Văn Tùng, sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Hà Nội, cho biết đã có lịch học trực tuyến từ tuần sau. Đây không phải lần đầu tiên Tùng học theo hình thức này, nhưng vẫn lo lắng vì không rõ dịch COVID-19 bùng phát trở lại có ảnh hưởng đến tiến độ tốt nghiệp thời gian tới hay không. Tuy các môn học không ảnh hưởng nhưng Tùng sợ kỳ thực tập sắp tới sẽ không thực hiện được.

Trịnh Thúy Hằng, sinh viên năm cuối trường ĐH Hà Nội, tỏ ra lạc quan hơn. Hằng vừa đi học vừa đi làm nên không lo lắng vấn đề thực tập. Nhưng sau lần học trực tuyến học kỳ II năm học trước, Hằng cho rằng chất lượng chỉ đáp ứng được ở mức tối thiểu, không đạt được như mong muốn. “Các môn học đều bị giới hạn bởi tính năng của phần mềm học trực tuyến. Chính vì vậy, với môn dịch nói, hiệu quả rất thấp. Sinh viên không phát huy hết được khả năng, giảng viên cũng không thể chuyển tải hết được kiến thức cũng như yêu cầu”, Hằng nói.

Sinh viên học trực tuyến: Có kịp tiến độ tốt nghiệp? ảnh 1  Sinh viên các ngành kỹ thuật không thể thực tập trực tuyến
 Ảnh: ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM

PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội, cho rằng với học trực tuyến, chất lượng các môn lý thuyết không bị ảnh hưởng. Kết quả thi của học kỳ II năm học 2019-2020 (kỳ học đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, bà Phương cũng thừa nhận, tâm lý chung của sinh viên không thích học trực tuyến kéo dài, nhất là với những môn tiếng liên quan kỹ năng nói, dịch nói.

Về nội dung thực tập, bà Phương thông tin, với các ngành yêu cầu người học cần phải đến trực tiếp làm việc như phiên dịch, khi các công ty hay đơn vị này phải nghỉ, sinh viên sẽ không được thực tập. Vì vậy, trường sẽ chuyển từ thực tập sang kiến tập cho người học bằng cách xây dựng các tình huống giả định để sinh viên thực hiện.

Đối với ngành Công nghệ thông tin của trường, sinh viên chủ yếu làm công việc lập trình nên hoàn toàn có thể làm việc trực tuyến. Do đó, theo bà Phương, tiến độ tốt nghiệp thời gian tới của sinh viên trường ĐH Hà Nội cơ bản không bị ảnh hưởng.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Thủy lợi, lại rất lo lắng nếu dịch kéo dài, sinh viên phải học trực tuyến đến hết tháng 3 vì năm học 2019 - 2020, cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian tốt nghiệp của sinh viên trường ĐH Thủy lợi phải lùi lại 2 tháng.

Do là trường kỹ thuật nên sinh viên phải học nhiều môn liên quan thực hành trong phân xưởng hay trong phòng thí nghiệm, không thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Trường ĐH Thủy lợi vừa có thông báo triển khai học trực tuyến tại 3 cơ sở của trường (Hà Nội, Hưng Yên, TPHCM) từ ngày 22/2 đến khi có thông báo mới.

Lên phương án cho bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trực tuyến

Trường ĐH Văn Lang thông báo, từ ngày 22/2 - 7/3, sẽ triển khai học trực tuyến. Để kịp tiến độ tốt nghiệp, trong 2 tuần đầu của học kỳ 2, các khoa tổ chức ôn tập, hướng dẫn đồ án, khóa luận tốt nghiệp bằng hình thức trực tuyến thông qua MS Team. Thực tập cuối khóa có thể đổi sang hình thức khác. Thời gian thi tốt nghiệp, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp vẫn thực hiện theo đúng kế hoạch đào tạo năm học 2020 - 2021. Theo kế hoạch hiện tại, sau 2 tuần học trực tuyến, sinh viên sẽ học tập trung. Trong trường hợp phải tiếp tục giãn cách xã hội, trường sẽ có thông báo.

Để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đúng thời hạn, trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo các hội đồng chấm đồ án/khóa luận tốt nghiệp ĐH năm học này có thể họp và chấm theo phương thức trực tuyến. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nói: “Việc này hoàn toàn khả thi và nếu phải tiến hành cũng sẽ không có vấn đề gì. Thậm chí không khác gì nhiều so trực tiếp bởi sinh viên, học viên vẫn phải trình bày slide, thảo luận trả lời câu hỏi”.

Thậm chí, PGS Điền nhận định, hình thức này còn khách quan, công bằng hơn bởi khi đó, sinh viên sẽ không bị phân tâm bởi các yếu tố ngoại cảnh và cũng... không được ai nhắc. Khi sinh viên trả lời, chủ tịch hội đồng chấm sẽ tắt mic của các thầy.

Như vậy, việc có thể được nhắc hay hỗ trợ là rất khó và hoàn toàn phải tự lập. Tuy nhiên, ông Điền cho rằng, để đảm bảo không gián đoạn, chất lượng, khi tổ chức, cần mua phần mềm có bản quyền, có thể kết nối cùng lúc nhiều người dùng.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.