Sinh viên Bách khoa dùng vỏ chuối chế tạo Pin Lithium về nhất thi khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dự án khởi nghiệp dùng vỏ chuối để chế tạo Pin Lithium của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội giúp hạn chế khai thác nguyên liệu thô, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường đã giành giải Nhất cuộc thi Thử thách khởi nghiệp thành phố sáng tạo thông minh (Startupcity) năm 2024.

Sáng 6/6, Thành Đoàn - Hội SVVN Thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi Thử thách khởi nghiệp thành phố sáng tạo thông minh (Startupcity) năm 2024. Dự chương trình, có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Huy Cường; Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh.

Theo Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng, qua cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu khoa học như một hệ sinh thái khởi nghiệp thu nhỏ. Cuộc thi cũng giúp tăng cường kết nối giữa sinh viên tiêu biểu, doanh nhân, chuyên gia, tổ chức kinh tế - xã hội - chính trị hướng đến đồng hành, ươm mầm và hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo điển hình của thế hệ trẻ tiềm năng.

Cuộc thi đã thu hút 56 bài dự thi với nhiều đề tài đa dạng từ 16 trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, top 10 đề tài, dự án xuất sắc nhất đã được chọn lựa để trình bày, gọi vốn tại vòng chung kết.

Sinh viên Bách khoa dùng vỏ chuối chế tạo Pin Lithium về nhất thi khởi nghiệp ảnh 1

Sinh viên trực tiếp giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp trong khuôn khổ cuộc thi.

Trong số đó, dự án phát triển Pin Lithium từ vật liệu Biomass của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được đánh giá cao và giành giải Nhất tại cuộc thi. Bạn Nguyễn Bảo Khánh - đại diện nhóm dự án cho biết, nguồn vật liệu trong sản xuất Pin Lithium vốn là vật liệu cacbon có nguồn gốc từ than chì hay nhiên liệu hóa thạch vốn không tái tạo, không bền vững.

"Tuy nó được sử dụng rộng rãi trong chế tạo siêu tụ điện và điện cực pin, nhưng quá trình khai thác và chế tạo thường nguy hiểm và gây ô nhiễm. Ngoài ra, việc thải bỏ pin không đúng cách có thể thải ra các hóa chất độc hại vào môi trường. Vì vậy, việc thay thế than chì bằng than hoạt tính được sản xuất từ vỏ chuối là một phương án kinh tế và có lợi cho môi trường”, Khánh nói.

Sinh viên Bách khoa dùng vỏ chuối chế tạo Pin Lithium về nhất thi khởi nghiệp ảnh 2Sinh viên Bách khoa dùng vỏ chuối chế tạo Pin Lithium về nhất thi khởi nghiệp ảnh 3Sinh viên Bách khoa dùng vỏ chuối chế tạo Pin Lithium về nhất thi khởi nghiệp ảnh 4

Dự án phát triển Pin Lithium từ vật liệu Biomass của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã được đánh giá cao và giành giải Nhất tại cuộc thi.

Còn với dự án BRIAL - Gạch từ phế thải xỉ nhôm (sinh viên trường ĐH Xây dựng Hà Nội) đã giành giải Nhì tại cuộc thi. Bạn Cao Đức Tâm - đại diện nhóm cho biết, việc sản xuất gạch sử dụng khoảng 50% là phế thải xỉ nhôm, giúp giải quyết được vấn đề ô nhiễm xỉ nhôm trầm trọng tại các làng nghề như Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ) hiện nay.

"Chất thải xỉ nhôm gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái, đe dọa sức khỏe thậm chí là tính mạng con người. Việc sử dụng chất thải xỉ nhôm để chế tạo vật liệu là bước tiến quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Vì vậy, nhóm đã phát triển dự án này để tạo ra được loại gạch mới góp phần bảo vệ môi trường", Tâm cho biết.

Sinh viên Bách khoa dùng vỏ chuối chế tạo Pin Lithium về nhất thi khởi nghiệp ảnh 5

Các thành viên của dự án BRIAL - Gạch từ phế thải xi nhôm (đến từ trường ĐH Xây dựng Hà Nội) đã giành giải Nhì tại cuộc thi.

Năm nay, đa số các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham dự cuộc thi đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tận dụng phế thải nông nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính. Đó là một tín hiệu tích cực thể hiện tinh thần quyết tâm của tài năng trẻ hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh.

Cuộc thi cũng đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân cho thế hệ thanh niên, sinh viên trên địa bàn Thành phố; tạo lập văn hóa khởi nghiệp; liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Kết quả chung cuộc:

Dự án Phát triển Pin Lithium từ vật liệu Biomass (sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân giành giải Nhất.

Dự án ECOLUXE - Vật liệu mới từ phụ phẩm nông nghiệp thay thế da động vật (sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) và dự án BRIAL - Gạch từ phế thải xi nhôm (sinh viên trường ĐH Xây dựng Hà Nội) giành giải Nhì.

Dự án FIRE ESCAPE - Trang bị kỹ năng Phòng cháy chữa cháy (sinh viên Học viện Ngân hàng); dự án Chế tạo và sản xuất thử nghiệm sản phẩm “bê tông xanh” không xi măng trộn hướng đến mục tiêu thành phố thông minh và kinh tế tuần hoàn (sinh viên trường ĐH Mỏ - Địa chất) và dự án Robot ứng dụng máy học hỗ trợ người gặp khó khăn trong quá trình ăn uống (sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) cùng giành giải Ba.

MỚI - NÓNG