Sính ngoại

Sính ngoại
TP - Trong trào lưu chụp ảnh ở vườn đào Nhật Tân vừa qua có bài báo đã phát hiện ra một vấn đề khá “hài”:

Đào Nhật Tân thứ thiệt cùng với tà áo dài vốn mang thương hiệu Việt bỗng lép vế trong sự lựa chọn của “thượng đế” ta, trước hoa anh đào Nhật Bản giả (fake), đèn lồng đỏ Trung Hoa và hanbok, kimono của xứ người. Thế mới thấy quảng cáo “người Việt dùng hàng Việt” rất quen thuộc song không dễ dàng chinh phục người tiêu dùng, ngay cả ở lãnh địa văn hóa. Hoa ngoại dởm vượt mặt hoa nội, tà áo dài tung bay khắp năm châu lại thất thế trên sân nhà…

Lại nhìn sang showbiz. Không biết từ bao giờ, nghệ danh ngoại đã trở thành “mốt” của các nghệ sỹ? Ban đầu người ta ưa nghệ danh mang màu sắc Trung Hoa: Điền Thái Toàn, Vân Quang Long, Ưng Hoàng Phúc, Nhật Tinh Anh… Rồi sau này, những nghệ danh nửa tây, nửa ta lại thắng thế: Sơn Tùng MTP, Noo Phước Thịnh, Hòa Minzy, Kimmese… Thậm chí có những nghệ danh hoàn toàn tây trong khi nghệ sỹ có gốc gác  thuần Việt. Một chàng sinh viên thú y, quê Cần Thơ, bỗng chốc nổi lên thành một trong những nam ca sỹ hút fan với một nghệ danh như tên một nhà bác học lẫy lừng: Isaac.  Mới có câu chuyện vui, trong chương trình “Bài hát yêu thích” cách đây vài năm, nhạc sỹ Phú Quang đã thẳng thắn chia sẻ không biết đọc chữ “Noo” trong tên Noo Phước Thịnh như thế nào cho đúng. Đến người trong nghề còn loay hoay với phát âm nghệ danh của đồng nghiệp thì khán giả có lỡ reo hò sai tên của nghệ sỹ cũng là chuyện  thường.

Thói sính ngoại ngữ cũng đang tấn công ào ạt sự trong sáng của tiếng Việt. Chẳng những bạn trẻ ở ta ham chêm từ tiếng Anh trong ngôn ngữ hàng ngày mà các nghệ sỹ ta cũng ham trổ tài ngoại ngữ, mới dẫn đến những câu chuyện dở khóc, dở cười. Còn nhớ khi Vlogger nổi tiếng Toàn Shinoda qua đời, ca sỹ trẻ Hương Tràm đã hòa theo đám đông ghi lời tiếc thương trên trang cá nhân. Thà rằng, viết tiếng Việt cho an toàn, đằng này cô lại chêm thêm ngoại ngữ “dởm” vào lời chia buồn, thành ra sự “sành điệu” bị hứng “đá” dư luận. Ngay đến cả “nữ hoàng” thị phi Ngọc Trinh cũng quay ra sử dụng ngoại ngữ. Tiếc là ngoại ngữ không giống món hàng hiệu có tiền mua được, nên chỉ có một từ tiếng Anh quen thuộc “everybody” cô cũng vung vãi viết cách ra “every body” để lại bị “bóc mẽ”. Câu chuyện của cô cựu Hoa hậu Thế giới người Việt năm nào có lẽ còn khiến nhiều khán giả phải xấu hổ thay khi người đẹp hồn nhiên ghi sai danh hiệu của mình bằng tiếng Anh trong sân chơi Hoa hậu Trái đất 2010, tổ chức tại Việt Nam. Tiếng Việt giàu và đẹp, thế mà người ta vẫn cứ thích vay tiếng nước khác, là sao?

Chưa bao giờ thấy nghệ sỹ hải ngoại chăm về thăm quê hương đến thế. Khánh Ly, Tuấn Vũ, Chế Linh… đều đã về cả. Phải chăng tâm lí chuộng “ngoại” của khán giả là liều thuốc kích thích họ trở về, từ những nhân vật đình đám tới những cái tên lìu tìu. Vậy mà khán giả không “ngấy”.

Thế mới tài! 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Gianni Infantino.
U23 Indonesia bất ngờ có cơ hội tham dự Olympic Paris 2024
TPO - Tại đại hội diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) vào thứ Sáu vừa qua, chủ tịch Chủ tịch Gianni Infantino cho biết FIFA chuẩn bị đưa ra phán quyết về lệnh cấm dành cho LĐBĐ Israel. Nếu lệnh cấm được thi hành, U23 Indonesia có thể sẽ góp mặt ở vòng bảng bộ môn bóng đá Nam tại Olympic Paris 2024.