Sinh kế bền vững từ Trường Sơn Xanh 

Khi cây đẳng sâm được trồng và khai thác hợp lý, đời sống của người dân ở xã Gary (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) được cải thiện rõ rệt. Ảnh: Giang Thanh
Khi cây đẳng sâm được trồng và khai thác hợp lý, đời sống của người dân ở xã Gary (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) được cải thiện rõ rệt. Ảnh: Giang Thanh
TP - Qua 4 năm triển khai, dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế triển khai đã hỗ trợ cộng đồng dân cư ở các khu vực có rừng phát triển nhiều mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo tồn rừng.

Thay đổi hành vi, tạo sinh kế

Trong khuôn khổ Hội thảo Tổng kết dự án Trường Sơn Xanh ở Đà Nẵng, các mô hình sinh kế, các doanh nghiệp bền vững nhận được sự hỗ trợ của dự án bố trí dọc khu vực hành lang, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu. Chị Coor Thị Ích (người Cơ Tu, ở Tây Giang, Quảng Nam) nhiệt tình giới thiệu những sản phẩm do Tổ hợp tác thôn Pứt (xã Gary, huyện Tây Giang) sản xuất từ cây đẳng sâm như kẹo, trà, đẳng sâm tẩm mật ong… Cây đẳng sâm vốn quen thuộc trong đời sống của người Cơ Tu ở Tây Giang, mọc quanh tán rừng và được người dân lấy lá nấu canh, lấy củ ngâm rượu… “Ít ai ngờ được rằng, đến nay, loài cây rừng này lại trở thành nguồn lợi kinh tế chính của bà con Cơ Tu nơi đây”, chị Ích cho hay.

Được sự hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh, các chị em ở xã Gary đã xây dựng được 2 tổ hợp tác với khoảng 80 chị em, mỗi hộ canh tác đẳng sâm với diện tích từ 0,4 - 1ha. Trong mùa đầu, tổ đã bán được 3 tấn đẳng sâm và ký thêm hợp đồng 5 tấn với giá cao hơn giá thị trường. “Bà con không còn vào rừng hái đẳng sâm đem bán như trước mà tiến hành trồng và chăm sóc cây theo kỹ thuật được tập huấn; không khai thác tận diệt cây rừng. Ngoài sâm tươi, tổ còn phát triển nhiều sản phẩm như: cao đẳng sâm, trà đẳng sâm, đẳng sâm tẩm mật ong, mứt đẳng sâm... để nâng cao giá trị”, chị Ích nói.

Các sản phẩm từ đẳng sâm của chị em Cơ Tu ở Tây Giang đã được mang đi quảng bá ở các sự kiện triển lãm, hội chợ tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…; tiếp cận được với nhiều doanh nghiệp và dần có chỗ đứng trên thị trường. Hiện, đầu ra cho các sản phẩm của tổ hợp tác rất ổn định với 2 đối tác lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và nhiều đối tác nhỏ, lẻ khác. “Nhờ sự hỗ trợ của dự án, giá trị của cây đẳng sâm được tăng cao, đời sống bà con vượt bậc hơn trước đây với nguồn thu nhập ổn định từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Khi có sinh kế ổn định, bà con giảm thiểu việc chặt phá, săn bắn, sống dựa vào rừng như trước đây, chung tay bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học”, chị Ích chia sẻ.

Mô hình tổ hợp tác đẳng sâm ở xã Gary chỉ là một trong rất nhiều mô hình sinh kế bền vững mà dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ người dân sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Theo ông Daniel Lopez, Giám đốc Tổ chức Phát triển Quốc tế ECODIT - đơn vị thực hiện dự án, việc thay đổi hành vi của con người có thể góp phần hiệu quả đối với việc bảo tồn rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. “Đối với dự án này, chúng tôi tiếp cận theo hướng thay đổi hành vi để xây dựng những chương trình hành động hiệu quả. Việc phát triển các mô hình sinh kế bền vững cho những cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng vừa góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, vừa nâng cao năng lực bảo vệ rừng”, ông Lopez nói.

Kì vọng kinh doanh tín chỉ carbon

Trường Sơn Xanh là dự án trọng điểm về môi trường của USAID tại khu vực Trung Trường Sơn với số vốn đầu tư lên đến 24 triệu USD, được triển khai từ năm 2017 ở 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Qua 4 năm triển khai, đã có 11,6 triệu tấn CO2 giảm được; gần 13,4 nghìn người hưởng lợi về sinh kế liên quan đến các hoạt động cảnh quan bền vững; 59,8 triệu USD được huy động cho các hoạt động; 512 nghìn ha rừng được cải thiện quản lý tài nguyên; hơn 15,3 nghìn người cải thiện thu nhập từ quản lý tài nguyên bền vững hoặc đa dạng sinh học…

Theo bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại Việt Nam, các chỉ tiêu của dự án đều đạt và vượt mức so với kế hoạch đặt ra từ 135% đến 293%. “Điều này thể hiện phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và quản lý rừng, cải thiện sinh kế cho các cộng đồng miền núi, phát triển các doanh nghiệp bảo tồn”, bà Yastishock nói.

Tại tỉnh Quảng Nam, dự án được triển khai tại 10 huyện miền núi với hơn 337 nghìn ha rừng được cải thiện về quản lý; 82 ha rừng tự nhiên được phục hồi sinh cảnh, làm giàu rừng; 7,47 triệu tấn carbon được cố định nhờ hoạt động nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững, áp dụng mô hình sinh kế thông minh với biến đổi khí hậu và thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng (REDD+).

“Thành quả lớn nhất của dự án là Đề án kinh doanh tín chỉ carbon mà hiện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với các ban, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây hứa hẹn sẽ là nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững trong giai đoạn 2020 - 2030”, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay.

Ông Daniel Lopez kì vọng, đề án sẽ nhận được sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới cùng với nhiều thỏa thuận hợp tác để hỗ trợ, thúc đẩy dự án được kí kết vào cuối năm nay. “Nếu được triển khai, đề án sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực vào hoạt động tín dụng carbon, bảo vệ rừng”, ông Lopez cho hay.

Tín chỉ carbon (Carbon Credit) được thiết lập như một cơ chế định hướng thị trường để làm giảm lượng khí thải carbon trên toàn thế giới. Các quốc gia, doanh nghiệp vượt hạn mức thải CO2, nếu muốn thải quá hạn mức thì phải mua thêm hạn mức thông qua tín chỉ carbon.

MỚI - NÓNG