Singapore chống độc quyền bản quyền truyền hình thế nào?

Singapore chống độc quyền bản quyền truyền hình thế nào?
TPO - Không chỉ Singapore mà Australia và các nước thuộc Liên minh châu Âu cũng ban hành quy định Anti-Siphoning Scheme để ngăn chặn tình trạng độc quyền phát sóng đối với các sự kiện văn hóa, thể thao có giá trị tinh thần.

Sau khi báo chí trong nước có những bài viết về vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá Ngoại hạng Anh đang diễn ra nóng bỏng tại Việt Nam, đề cập đến quy định Cross Carriage Measure (quy định phát chéo nội dung giữa các đài) tại Singapore, một độc giả đang sống tại Singapore, làm trong ngành luật và cũng quan tâm đến quy định này, đã gửi về báo chia sẻ một số ý kiến về một quy định khác của Singapore được ban hành từ năm 2003 và mới sửa đổi đầu năm nay về vấn đề chống độc quyền trong truyền hình.

Tại Singapore, cơ quan quản lý truyền thông (Media Development Authority - MDA) từ năm 2003 đã ban hành chương trình Anti-Siphoning Scheme (tạm dịch là chương trình chống độc quyền) như là một phần trong Luật Act Code of Practice for Market Conduct (tạm dịch: Những điều khoản về ứng xử thị trường). Theo chương trình này, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền bị hạn chế mua độc quyền bản quyền phát sóng một số sự kiện văn hóa, thể thao có giá trị tinh thần với người dân. Như vậy người dân Singapore sẽ có cơ hội xem các sự kiện này trên các kênh truyền hình quảng bá. MDA chia các sự kiện văn hóa, thể thao thành 2 loại:

Loại A: Các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền không thể mua độc quyền bản quyền phát sóng “trực tiếp” và “phát chậm”, dù là một phần hay toàn bộ sự kiện.

Loại B: Các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có thể mua độc quyền bản quyền phát sóng “trực tiếp” nhưng không được mua độc quyền “phát chậm”, dù là một phần hay toàn bộ sự kiện.

Sau gần 10 năm áp dụng, cuối năm 2012, MDA đã lấy ý kiến của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và các cá nhân, tổ chức liên quan để xem xét lại bản danh sách này và ban hành danh sách chính thức vào đầu năm 2013. Trong danh sách này, loại A gồm ASIAD, đua xe F1 tại Singapore, World Cup, SEA Games, Olympic... Loại B gồm giải vô địch bóng đá Đông Nam Á, Cúp Malaysia (các trận có CLB của Singapore)...

Không chỉ Singapore mà cả Australia và các nước thuộc Liên Minh Châu Âu cũng ban hành quy định Anti-Siphoning Scheme để ngăn chặn tình trạng độc quyền phát sóng đối với các sự kiện văn hóa, thể thao có giá trị tinh thần.

Như vậy có thể thấy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước để ổn định ngành công nghiệp truyền hình nói chung và truyền hình trả tiền nói riêng tại nhiều nước trên thế giới rất được coi trọng. Các quy định đưa ra vừa tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, vừa bảo vệ được người tiêu dùng nhất là người có thu nhập thấp.

Liên hệ đến vấn đề bản quyền truyền hình truyền hình Ngoại hạng Anh tại Việt Nam đang nóng bỏng và chưa có lối ra, tôi cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của người xem truyền hình, tránh độc quyền, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các quy định tương tự để tránh tình trạng độc quyền (một phần hoặc toàn bộ) những chương trình mang lại nhiều giá trị giải trí tinh thần cho khán giả.

Theo Viết
MỚI - NÓNG