'Siêu lừa' gửi lời xin lỗi, nhiều cán bộ ngân hàng bật khóc nói lời sau cùng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khi nói lời sau cùng, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành đã xin lỗi tất cả những người vì tin tưởng mình mà phạm pháp luật. Trong khi đó, nhóm bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng bật khóc, mong HĐXX xem xét cho hưởng khoan hồng của pháp luật.

Sau 12 ngày xét hỏi và tranh luận, chiều 20/3, HĐXX cho phép “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm, trong đó có 17 cựu cán bộ ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) và ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng (PVcomBank), được nói lời sau cùng trước khi vào nghị án.

Trình bày đầu tiên, bị cáo Hà Thành nói đã bị tạm giam hơn 1.500 ngày, suốt thời gian đó, bị cáo rất mong chờ ngày đứng trước HĐXX và bị hại, người liên quan để gửi lời xin lỗi tất cả.

“Tôi thực sự áy náy vì cái sai của mình, hôm nay dù hình phạt thế nào tôi cũng chấp nhận, chỉ mong HĐXX xem xét các bị cáo khác, vì họ tin tưởng tôi nên phạm tội”, Hà Thành bày tỏ.

Tới lượt mình, bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (cựu nhân viên ngân hàng VietABank) bật khóc cho hay, suốt thời gian tạm giam, nhiều lần bị cáo mong có một giấc ngủ và sáng sau không dậy nữa.

“Có quá nhiều vấn đề trong việc buộc tội bị cáo, đầu tiên là tội lừa đảo, tại tòa Hà Thành nói bị cáo không tham gia, bàn bạc nhưng Viện kiểm sát dùng lời khai của những người có quyền lợi đối lập bị cáo để buộc tội, không giám định camera, không làm rõ việc tại sao có chữ ký giả. Nếu không có chữ ký giả, việc phong tỏa tài khoản có xảy ra không?”, bị cáo Hương lập luận.

Về tội “Vi phạm hoạt động của ngân hàng, các hoạt động liên quan khác của ngân hàng”, Quỳnh Hương cho rằng, Viện kiểm sát dùng những công văn, văn bản mâu thuẫn nhau trong ngân hàng để buộc tội mình. Trong khi các bị cáo khác cùng ký tờ trình nhưng không bị truy tố cùng tội, đây là điểm không công bằng, mong HĐXX xem xét.

'Siêu lừa' gửi lời xin lỗi, nhiều cán bộ ngân hàng bật khóc nói lời sau cùng ảnh 1

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành cùng 26 bị cáo tại phiên tòa.

Còn ông Quản Trọng Đức (cựu Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô của VietABank) cho rằng, bản thân không thể phát hiện ra được việc nhân viên cố ý làm sai.

"Bị cáo rất ăn năn hối hận, không kiểm soát hết được hành vi của nhân viên. Do đó, bị cáo đã vướng sai phạm. Bị cáo mong HĐXX xem xét, đánh giá một cách công minh", ông Đức nói.

Bị cáo Trần Thị Hoa (cựu Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội kiêm Giám đốc điều hành khu vực Tây Hà Nội của ngân hàng NCB) trình bày, trong quá trình làm việc ở ngân hàng, bị cáo vì vô ý, vô tình mà vướng sai phạm. Bà Hoa mong HĐXX phán quyết đúng người, đúng tội, đúng bản chất vụ việc.

Một bị cáo khác là Lê Thị Hiên, cựu nhân viên VietABank khai chỉ thử việc ở ngân hàng này được 5 tháng nhưng hiện phải đánh đổi bằng 5 năm tù đang chờ đợi phía trước. "Nhiều lúc bị cáo chỉ muốn chết đi cho bố mẹ đỡ khổ”, bị cáo Hiên khóc.

Các bị cáo còn lại khi nói lời sau cùng nhiều người đã khóc cho rằng, vì quá tin tưởng Nguyễn Thị Hà Thành nên mới phạm tội. Tất cả đều mong HĐXX xem xét, cho hưởng khoan hồng của pháp luật. HĐXX tuyên án sáng 24/3.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.