Phố Đinh Lễ (Hà Nội) tràn ngập của hàng sách. Ảnh Hồng Vĩnh. |
Chủ nhiệm Ủy banVăn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) Đào Trọng Thi cho biết: Ủy ban cơ bản tán thành quan điểm của Ban soạn thảo chỉ quy định mang tính nguyên tắc về loại hình xuất bản điện tử và dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển nhanh như hiện nay.
"Tuy nhiên, quy định tại dự thảo về xuất bản phẩm điện tử còn chung chung, tính khả thi chưa cao và còn bất hợp lý. Cần có khung pháp lý đặc thù để điều chỉnh hoạt động xuất bản điện tư", ông Thi nói.
Nới mô hình nhà xuất bản
Tại tờ trình, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết, đối tượng được thành lập nhà xuất bản bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị cấp Trung ương và cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương và các tổ chức khác do Chính phủ quy định.
Thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ (cơ quan thẩm tra) đề nghị không nên bó hẹp đối tượng thành lập nhà xuất bản để phát huy các nguồn lực xã hội đầu tư cho xuất bản.
Một số ý kiến đề nghị, cần quy định rõ trong luật về các tổ chức khác được thành lập nhà xuất bản, như: tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo và công bố tác phẩm; đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo và công bố tác phẩm.
Theo dự thảo, nhà xuất bản tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu.
Như vậy, mô hình như Dự thảo nêu chưa bao quát hết loại hình đang tồn tại. So với dự thảo, quy định trong luật hiện hành tạo nhiều cơ hội lựa chọn hơn về mô hình cho các nhà xuất bản, tạo điều kiện để họ năng động, phát huy được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh.