Theo đó, EVN được sử dụng vốn của mình để đầu tư ra ngoài các ngành nghề kinh doanh được quy định trong điều lệ hoạt động, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động.
Dự thảo cũng nêu rõ, EVN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, đơn vị đầu tư chứng khoán (trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng). Việc phát hành trái phiếu để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính cũng bị cấm.
EVN cũng không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con; từ các công ty con của doanh nghiệp cấp 2 và những cấp tiếp theo. Ngoài ra, các công ty con (do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ) không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hoá các đơn vị của EVN.
Dự thảo cũng có một số quy chế chặt chẽ hơn về việc huy động và sử dụng vốn của EVN. Cụ thể, việc huy động phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của tập đoàn không quá 3 lần (bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp EVN).
Đặc biệt, trong trường hợp bán nợ mà dẫn tới doanh nghiệp bị thua lỗ, mất vốn, hoặc mất khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng tập đoàn phải giải thể, phá sản; hội đồng thành viên và người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh các khoản nợ này phải bồi thường và bị xử lý theo quy định.