Siết chặt kinh doanh, giá vàng sẽ thế nào?

Siết chặt kinh doanh, giá vàng sẽ thế nào?
Mặc dù áp lực bình ổn giá vàng rất lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên quyết nói không và đặt ra lộ trình siết chặt kinh doanh vàng tại các ngân hàng thương mại nhằm tránh rủi ro, hướng dòng vốn cũng như hoạt động hệ thống đúng với bổn phận. Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên quyết nói không và đặt ra lộ trình siết chặt kinh doanh vàng tại các ngân hàng thương mại..

> Diễn biến thị trường vàng

Có phải thị trường đã tiên lượng được cuộc chơi vàng sắp tới ra sao nên ngoại trừ lý do giá vàng thế giới giảm sâu, giá vàng trong nước mất 910 nghìn đồng/lượng trong 10 ngày qua?

Ngấm đòn vì giá vàng rớt mạnh

Chịu một phần áp lực của giá vàng thế giới, kết hợp với cơn khát vàng của các ngân hàng thương mại hạ nhiệt, đặc biệt là "nhóm G5" về cơ bản đã đắp đầy trạng thái nên giá vàng trong nước giảm mạnh: nếu như ngày 11/10 SJC báo giá mua và bán là 47,33 triệu - 47,53 triệu đồng/lượng thì ngày 20/10, giá tụt xuống mức 46,42 triệu - 46,62 triệu đồng/lượng, giảm 910 nghìn đồng/lượng.

Một cán bộ của Ngân hàng Nhà nước nói: “Lãnh đạo ACB nói với chúng tôi rằng, chỉ mong tất toán cho xong và không bao giờ muốn kinh doanh vàng nữa”.

Trên thực tế, trong quý 3/2012, ACB lỗ 1.251 tỷ đồng từ kinh doanh vàng, làm cho lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của ngân hàng này chỉ còn 1.187 tỷ đồng. Kết cục này không chỉ dành cho ACB mà còn đối với vài chục ngân hàng thương mại trót lún sâu vào vàng trong gần 10 năm qua.

Siết chặt kinh doanh, giá vàng sẽ thế nào? ảnh 1

Lãnh đạo ACB nói với chúng tôi rằng, chỉ mong tất toán cho xong và không bao giờ muốn kinh doanh vàng nữa. Một cán bộ của Ngân hàng Nhà nước

Theo vị lãnh đạo nói trên, từ năm 2000 - 2010, Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng huy động, cho vay vàng và được bán tới 30% trong số đó thành tiền. Trên thực tế, họ có bán 30% hay hơn, chẳng ai biết.

Cho đến khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra, giá vàng thế giới cao ngất ngưởng. Đúng lúc này, do khuôn khổ pháp lý quản lý ngoại tệ còn lỏng lẻo, 8 đầu mối được phép sản xuất vàng miếng tha hồ nhập lậu, vơ vét ngoại tệ trên thị trường, làm cho quản lý tỷ giá vô cùng khó khăn.

Nhận thức rõ thực tế này, tháng 5/2011, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng chấm dứt huy động, cho vay vàng để sau một năm, phải tất toán số vàng mà tổ chức tín dụng đã huy động cho bên gửi.

Cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 32 cho phép “nhóm G5” và SJC bán vàng tồn quỹ để bình ổn giá vàng. Nhưng vì các ngân hàng thương mại, trong đó có cả nhóm G5 đã trót để trạng thái vàng quá sâu, khi giá vàng lên đã không kịp mua về. Đúng lúc này, đã có sự thay đổi lớn trong quan điểm điều hành là “không cho phép nhập khẩu vàng”, nhà điều hành thấy rằng, không cần thiết phải chi ngoại tệ nhập khẩu vàng để bảo vệ tỷ giá.

Không được nhập khẩu vàng, các ngân hàng thương mại đã bị chính những kẻ nắm giữ vàng trong nước găm vàng, đẩy giá lên cao và con số thiệt hại từ ACB mới chỉ là một trong rất nhiều trường hợp sẽ hiện dần trong mùa công bố cáo bạch ở một số ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

Tiên lượng giá vàng

Trao đổi với vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói trên, ông cho biết sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ “Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng”. Ở đây, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước đã khác hẳn: chỉ quản lý mà không bình ổn giá vàng. Tại sao có sự thay đổi này?

Theo vị quan chức này thì trước hết, Ngân hàng Nhà nước chấm dứt hoàn toàn việc tổ chức tín dụng huy động trả lãi và cho vay vàng, và ở cương vị nhà nước cũng như vậy. Bởi lẽ, huy động vào nhưng không thu xếp được đầu ra, sẽ rủi ro rất lớn và việc các ngân hàng bị thấm đòn trong đợt vàng giảm giá vừa qua là một ví dụ.

Mặt khác, Nhà nước càng huy động thì tình trạng mua vàng găm giữ càng trầm trọng. Chưa kể, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán, nếu trong một năm, chỉ cần huy động 50% số vàng mà các tổ chức tín dụng đang huy động, kể cả với mức lãi suất thấp nhất, thì cũng phải bỏ ra 400 - 500 tỷ đồng để trả cho bên gửi.

Còn nếu huy động rồi gửi ra nước ngoài thì phải chịu rất nhiều chi phí chuyển đổi, vận chuyển, trong khi lãi suất gửi vàng trên thế giới cũng rất thấp. Một phương án khác là chuyển đổi sang USD thì Ngân hàng Nhà nước cũng không thể sử dụng được số ngoại tệ hoán đổi kia dưới bất kỳ hình thức nào. Vì lẽ, giống như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang quản lý tiền gửi ngoại tệ của kho bạc và tiền gửi của tổ chức tín dụng.

Vậy, nguồn lực đó trong dân, nhà nước sẽ huy động bằng cách nào? Cũng theo vị quan chức này, huy động không có nghĩa là “nhận - gửi” mà theo cách: doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được phép mua bán, kinh doanh vàng miếng, khi người dân găm giữ không có lợi, họ sẽ bán cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Nhà nước thông qua Ngân hàng Nhà nước sẽ mua, bán vàng miếng với các đơn vị đủ điều kiện theo Nghị định 24. Nhưng, Nhà nước thấy giá có lợi sẽ mua, nếu không thì thôi. Chỉ khi nào thị trường quá khan vàng, giá cao thì Nhà nước sẽ bán cho các đơn vị kinh doanh để họ bán ra thị trường.

Siết chặt kinh doanh, giá vàng sẽ thế nào? ảnh 2

Huy động vào nhưng không thu xếp được đầu ra, sẽ rủi ro rất lớn và việc các ngân hàng bị thấm đòn trong đợt vàng giảm giá vừa qua là một ví dụ.

Điều này cũng giống như điều hành thị trường ngoại hối hiện nay nhưng khác ở chỗ: thị trường ngoại tệ thì phải bình ổn để ổn định tỷ giá, đảm bảo đủ ngoại tệ cung ứng cho nền kinh tế, không để cán cân thanh toán quốc tế mất cân đối quá lớn.

Làm như vậy thì giá vàng trong nước có theo sát giá thế giới không? Có thể thấy, thời gian tới, cuộc chơi vàng chỉ còn lại hoạt động mua và bán theo hướng Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện. Còn hệ thống tổ chức tín dụng tham gia với tư cách là đơn vị mua bán bình thường, giống Doji hay SJC.

Với tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước siết chặt hơn ở chỗ quy định trạng thái vàng. Ví dụ, với ngoại tệ của tổ chức tín dụng, trạng thái là +/- 20%, nhưng với vàng là +/- 10%. Điều này khiến cho tổ chức tín dụng không thể mua dương hoặc âm vượt quá trạng thái nên không thể đầu cơ. Ngân hàng Nhà nước quản theo ngày, nếu mua quá nhiều để đầu cơ trên thị trường và để vượt, sẽ phạt, tái phạm nhiều lần sẽ thu giấy phép, mọi hình thức lách luật như dùng cửa hàng vàng đang có sẵn, gắn biển ngân hàng lên đó... đều bị cấm cản.

Với cách thức như vậy, tình trạng găm giữ vàng trong ngân hàng sẽ giảm rất mạnh. Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng thu vào bao nhiêu, buộc phải chảy ra thị trường bấy nhiêu. Còn mua với giá nào là do Ngân hàng Nhà nước quyết định với tư cách là người mua bán cuối cùng.

Đến đây, có lẽ những người đang nắm giữ vàng đã tiên lượng được thời gian tới, giá vàng sẽ giảm hay tăng!

Theo Nguyễn Hoài
VNeconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Lời cảnh báo sau thảm họa Mike Tyson - Jake Paul
Lời cảnh báo sau thảm họa Mike Tyson - Jake Paul
TPO - Nghệ sĩ gạo cội Howard Stern cảnh báo Netflix có thể trả giá đắt nếu hai trận đấu quan trọng của Giải Bóng bầu dục quốc gia vào dịp Giáng sinh tái diễn sự cố lỗi phát sóng trực tuyến như trận so găng giữa Mike Tyson - Jake Paul.