Ngọc cho biết em học hơn 12 giờ mỗi ngày, bao gồm học chính khóa, học thêm ở trung tâm và ôn bài tại nhà. Nhiều lúc em phải uống cà phê để chống lại cơn buồn ngủ mỗi khi học buổi tối. "Hai tháng trước, em luôn cảm thấy mệt mỏi, cân nặng giảm, hay khóc, nhiều lúc muốn chết, bác sĩ chẩn đoán em mắc chứng trầm cảm phải nhập viện", cô gái 18 tuổi kể.
Hiện tình trạng Ngọc ổn định. Em đang ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới và luôn được sự theo dõi từ gia đình.
"Tôi không muốn tạo áp lực cho con phải chọn trường danh tiếng nhưng bản thân con lại tự tạo áp lực cho mình. Nhiều lúc chỉ muốn con nghỉ ngơi nhưng lịch học dày đặc trên trường nên đành chấp nhận", mẹ Ngọc nói.
Bác sĩ Trần Minh Khuyên, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, cho biết áp lực học hành, thi cử dễ khiến các em học sinh bị rối loạn tâm thần. Ở mức độ nhẹ thường có biểu hiện lo lắng, bồn chồn, trầm cảm, tự ti. Nghiêm trọng hơn, có em lên kế hoạch gây hại bản thân để tìm cảm giác giải thoát.
Những biểu hiện bất thường như ăn không ngon, đau đầu, mất ngủ, buồn chán, hay cáu gắt, mệt mỏi kéo dài, nhạy cảm với các âm thanh, kém tập trung, khóc lóc... đều được coi có vấn đề về tâm thần.
"Nhiều người không chú ý đến các dấu hiệu bệnh ở dạng nhẹ, cho rằng đó là biểu hiện bình thường khi đối mặt với áp lực các kỳ thi. Đến lúc được phát hiện bệnh đã tiến triển nặng", bác sĩ Khuyên nói.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thu Huyền, nguyên nhân của vấn đề này do nhiều yếu tố, bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng và áp đặt con về điểm số và phải trúng tuyển vào trường danh tiếng khiến các em tăng thêm áp lực. Chế độ sinh hoạt thay đổi khiến chất lượng nghỉ ngơi của học sinh ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Có những trường hợp bị rối loạn cảm xúc do chính bản thân các em tự tạo áp lực cho mình vì sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè. Nhiều học sinh lạm dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, không bổ sung dinh dưỡng và năng lượng phù hợp nên dễ mắc những bệnh liên quan đến tâm thần hơn", bà Huyền nói.
Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về tỷ lệ mắc bệnh tâm thần của các sĩ tử trong thời điểm trước và sau kỳ thi. Tuy nhiên, có rất nhiều em đã phải đi khám với các biểu hiện căng thẳng, rối loạn cảm xúc, loạn thần...
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý tâm thần rất quan trọng. Các em sẽ được tư vấn kịp thời và điều chỉnh chế độ học tập sinh hoạt hợp lý, có sức khỏe và tâm lý tham gia tốt kỳ thi.
Chuyên gia khuyên cha mẹ nên quan tâm cảm xúc của con, không so sánh con với người khác, động viên trẻ học nhưng đừng quá áp đặt về điểm số. Cần thỏa thuận để xác định đúng năng lực của con và đặt mục tiêu phù hợp theo hướng khuyến khích. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để các em có đủ sức khỏe vượt qua kỳ thi.