Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim - cho biết, điều khiến cán bộ, nhân viên Vườn quốc gia vui và ngỡ ngàng là lần trở về này, con sếu còn dẫn theo “vợ” và 2 con dưới 1 năm tuổi. Gia đình sếu 4 thành viên hiện khỏe mạnh và có mặt tại các khu A1, A4 và A5 của Vườn quốc gia.
Xung quanh tin vui này, ông Hùng cho biết thêm, ngày 14/3/1998, Hội Sếu quốc tế, Viện Nghiên cứu điểu học Hoàng gia Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim đã bắt cá thể sếu này, đeo máy định vị và vòng số 150 - 036 cho sếu, khi đó sếu mới 3 tuổi.
"Năm nào cũng có sếu trở về với vườn, năm về ít, năm về nhiều. Riêng năm nay ngoài 6 - 7 cá thể sếu khác đã về Vườn quốc gia thì vui nhất là một cá thể sếu trống sau 18 năm nay quay về Tràm Chim cùng "vợ" và 2 con. Từ tín hiệu này cho thấy, điều kiện tự nhiên, môi trường ở Vườn quốc gia tốt hơn. Hy vọng thời gian tới, sếu sẽ về nhiều hơn nữa", ông Hùng nói.
Xung quanh hiện tượng khô hạn đang bủa vây các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ông Hùng cho biết, đối với Vườn quốc gia Tràm Chim, hiện tại vẫn đang ở mức bình thường. Các công tác phòng chống cháy rừng, tuyên truyền cho người dân sống vùng đệm tham gia bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng đã làm trước đó. Riêng cánh đồng nơi sếu đầu đỏ làm bãi đậu vẫn phát triển tốt và có lẽ đây là lí do sếu về Tràm Chim.
Sau khi phát hiện sếu trống trở về cùng cả gia đình, Vườn Tràm Chim đã đặt vấn đề với Hội Sếu quốc tế giúp Vườn khôi phục lại đàn sếu để sếu về ngày một đông hơn, gắn bó với Vườn lâu dài hơn.