SEA Games 29: Ngành thể thao mắc bệnh 'than'?

SEA Games là ngày hội thể thao của khu vực Đông Nam Á, khó khăn không chỉ riêng với Việt Nam.
SEA Games là ngày hội thể thao của khu vực Đông Nam Á, khó khăn không chỉ riêng với Việt Nam.
TPO - Trước thềm SEA Games 29 (Malaysia), thấy quan chức ngành thể thao đang mải mốt kêu khó với chỉ tiêu lọt vào tốp 3 khu vực.

Lý do chính bởi việc cắt giảm các môn thế mạnh của Việt Nam do BTC nước chủ nhà SEA Games 29 Malaysia đưa ra. Vật, canoeing, rowing, đấu kiếm, cử tạ, bắn súng…hoặc bị cắt giảm các nội dung, hoặc loại hẳn khỏi đại hội. Theo nhẩm tính sơ sơ, với chừng nấy nội dung bị loại bỏ, Việt Nam đã mất khoảng trên dưới 20 HCV.

Nói đi cũng phải nói lại. Việc nước chủ nhà các kỳ SEA Games, dựa vào quyền năng chủ nhà để đưa vào đại hội những môn có lợi thế, hoặc truyền thống không hề lạ. Còn nhớ cách đây nhiều năm, ông Hoàng Vĩnh Giang, Trưởng đoàn TTVN tại nhiều kỳ SEA Games, từng giải thích SEA Games được xem là ngày hội thể thao của các nước trong khu vực. Ngoài ý nghĩa về thể thao còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết, thắt chặt quan hệ, giao lưu học hỏi giữa các thành viên. SEA Games đồng thời là nơi các nước thể hiện những nét văn hoá độc đáo riêng. Ông Hoàng Vĩnh Giang phản ứng rất kịch liệt việc nhiều người gọi SEA Games là “ao làng”, đồng thời cho rằng không nhất thiết tất cả các môn ở SEA Games đều phải có trong chương trình Olympic hay Asiad.

Chẳng nói đâu xa, nếu để lấy ví dụ về quyền năng chủ nhà đem lại lợi thế cho nước đăng cai, xin hãy lấy luôn Việt Nam chúng ta ở SEA Games 22 (2003). Đại hội thể thao Đông Nam Á năm đó có 32 môn thể thao với 444 nội dung thi đấu. Kết quả, chủ nhà Việt Nam dẫn đầu bảng tổng sắp với…158 HCV, 97 HCB, 91 HCĐ! Con số cho thấy sức mạnh tuyệt đối, ít có nước chủ nhà SEA Games nào sau này sánh bằng.

Ở các kỳ đại hội về sau, thứ tự được tái lập và Thái Lan thường xuyên là quốc gia khiến các nước còn lại trong khu vực phải tôn trọng. Khi bàn tới thứ tự ở SEA Games, giới thể thao có một cách sắp xếp khác, là trừ đi nước chủ nhà rồi sau đó tính từ nước thứ 2. Theo cách này thì Việt Nam vẫn thường trực đứng sau Thái Lan.

Đấy là nói vui còn trên thực tế, trong khu vực Đông Nam Á Thái Lan được thừa nhận như thế lực số 1. Điều này được chứng thực qua nhiều kỳ SEA Games và ở nhiều môn trọng điểm, nhận được sự quan tâm lớn của công chúng, điển hình như bóng đá hay điền kinh. Tâm thái cạnh tranh với người Thái luôn hiện hữu, và đây có lẽ không chỉ là tâm thái của Việt Nam. Lâu nay, thể thao Việt Nam vẫn tự tin chỉ chịu thua mỗi Thái Lan trong khu vực, nếu nhìn nhận ở góc độ tổng thể.

Thế nên cũng từ góc độ tổng thể, những khó khăn do nước chủ nhà SEA Games tạo nên có thể xem là yếu tố khách quan, tác động chung tới tất cả các quốc gia còn lại, chứ không riêng Việt Nam. Vị trí trên bảng xếp hạng chung vì vậy vẫn có ý nghĩa cho thấy tương quan của chúng ta với các quốc gia trong khu vực ra sao, tiến hay lùi hoặc chững lại so với bạn. Không thể cho rằng Malaysia gây khó khăn cho Việt Nam, đồng thời với việc tạo thuận lợi cho các nước khác, như Thái Lan hay Indonesia, Singapore. Dĩ nhiên, sẽ có xác suất nào đó những môn bị cắt giảm trúng vào môn thế mạnh của Việt Nam, nhưng không phải môn mạnh của Thái Lan hay Singapore... Nhưng chuyện ngược lại cũng có thể xảy ra ở những môn bị cắt giảm khác.

Lần ngược lại các kỳ SEA Games trước, hoá ra lần nào trước khi lên đường, ngành thể thao cũng than thở về những khó khăn do nước chủ nhà gây nên. Gần nhất là SEA Games 2015 ở Singapore, nếu chưa tin chúng ta có thể…tra Google.

Hy vọng, chuyện than thở của quan chức ngành chỉ là phản xạ theo thói quen, chứ không phải cách để né trách nhiệm về sau. 

MỚI - NÓNG