Lộ trình Việt Nam sử dụng 100% nhiên liệu xanh cho máy bay

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việt Nam đặt ra mục tiêu từ năm 2035 sẽ sử dụng tối thiểu 10% nhiên liệu xanh cho một số chuyến bay ngắn, từ năm 2050 sử dụng 100% nhiên liệu xanh cho tàu bay.

Thông tin trên được ông Nguyễn Phước Thắng - Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Hàng không Việt Nam - chia sẻ tại Diễn đàn phát triển bền vững ASEAN lần thứ 6 diễn ra ở Thái Lan mới đây.

Theo ông Thắng, sử dụng nhiên liệu “xanh” (SAF) là giải pháp tối ưu và quan trọng nhất để giảm phát thải CO2 cho tàu bay. Nhưng việc bù đắp lượng phát thải CO2 của tàu bay bằng mua bán tín chỉ carbon, luôn đặt ra vấn đề về tính bền vững và thành công của các dự án trồng rừng hay bảo vệ môi trường. Bởi giá nhiên liệu SAF hiện nay đắt gấp 2-6 lần nhiên liệu hàng không thông thường, trong khi nguồn cung khan hiếm, nhưng Việt Nam lại chưa tự chủ được cả về kỹ thuật và kinh nghiệm trong sử dụng và sản xuất.

Lộ trình Việt Nam sử dụng 100% nhiên liệu xanh cho máy bay ảnh 1

Giá nhiên liệu SAF hiện nay đắt gấp 2-6 lần nhiên liệu hàng không thông thường.

Công nghệ của loại pin lưu trữ hiện đại nhất chỉ đạt được mật độ năng lượng là 700Wh/kg, trong khi nhiên liệu cho tàu bay hiện nay là Jet A1 đạt 12000Wh/kg. Vì thế, nếu sử dụng pin lưu trữ thì với 1 lít Jet A1 cần thay thế bằng gần 20kg pin nhiên liệu, và việc này hoàn toàn không khả thi.

Bất chấp những khó khăn và thách thức vừa nêu, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu từ năm 2035 sẽ sử dụng tối thiểu 10% SAF cho một số chuyến bay ngắn, từ năm 2050 sử dụng 100% nhiên liệu xanh cho tàu bay. Theo đó, các hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không (Petrolimex Aviaiton) đã bắt đầu sử dụng SAF từ năm nay.

Lộ trình Việt Nam sử dụng 100% nhiên liệu xanh cho máy bay ảnh 2
Việt Nam cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam hiện đang tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải Việt Nam tích hợp các nội dung về an ninh mạng hàng không vào Chương trình an ninh hàng không dân dụng quốc gia Việt Nam theo Chiến lược và Hướng dẫn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Theo đó, tất cả các hãng hàng không Việt Nam, các cảng hàng không, sân bay, các đơn vị cung cấp nhiên liệu hàng không đều phải đưa an ninh mạng hàng không vào thành nội dung bắt buộc trong chương trình, để đánh giá rủi ro và hạn chế các nguy cơ về an ninh mạng liên quan tới nhiên liệu hàng không bền vững SAF nói riêng và hoạt động hàng không dân dụng nói chung, theo nguyên tắc bảo đảm về nhân sự, chính sách, kinh phí cho công tác bảo đảm an ninh mạng hàng không và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2025.

MỚI - NÓNG