Sẽ rút giấy phép doanh nghiệp có xe quá tải

Một xe quá tải bị lật
Một xe quá tải bị lật
TP - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng xử cả doanh nghiệp kinh doanh vận tải có phương tiện sai phạm; thậm chí rút giấy phép kinh doanh.

“Chúng tôi không dung túng”

Tại Hội nghị sơ kết nửa tháng triển khai kiểm soát trọng tải xe cơ giới trên địa bàn cả nước (sáng 17/4), các đại biểu tham dự đều bày tỏ thái độ đồng tình xử lý nghiêm tình trạng này.

Để xử lý xe quá tải hiệu quả hơn trong thời gian tới, trung tướng Đỗ Đình Nghị (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội-Bộ Công an) đề xuất, cần có giải pháp giải quyết tận gốc, như tăng điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải.

“Nghị định sửa đổi Nghị định 91, 93 đang nghiên cứu cần quy định rõ: Nếu xe của doanh nghiệp nào chở quá tải, sẽ bị tước giấy phép kinh doanh có thời hạn; tái phạm sẽ tước vĩnh viễn. Điều này rất có tác dụng giải quyết vấn nạn xe quá tải”, tướng Nghị nói. Ngoài ra, phải quy định chặt việc hoán cải xe; xử lý ngay từ khi bốc xếp hàng lên xe...

Tướng Nghị cũng khẳng định, Bộ Công an đang có phương án để phòng ngừa tiêu cực của lực lượng. “Chúng tôi không dung túng, đề nghị tăng cường sự giám sát của nhân dân, cơ quan báo chí. Nếu có bằng chứng gửi về, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý”, tướng Nghị nói.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, xử lý tải trọng xe vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tái cơ cấu lại kinh doanh vận tải.

“Không phải tất cả xe đều quá tải; vẫn còn nhiều đơn vị chấp hành nghiêm; phải thực hiện để đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh (xe đúng tải không thể cạnh tranh với xe quá tải). Đồng thời, cũng là cơ hội để ngành vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không phát triển. Không nước nào vận tải đường bộ là chủ yếu như ở Việt Nam”, ông Thăng nói.

Theo người đứng đầu ngành giao thông, việc các doanh nghiệp nói ùn tắc hàng hóa, tăng chi phí, tăng cước vận tải… chỉ để gây sức ép.

Sẽ rút giấy phép doanh nghiệp có xe quá tải ảnh 1

Xe quá tải gây nổ lốp. Ảnh: HTN

Bộ trưởng Thăng giao cấp dưới nghiên cứu sửa đổi quy định, theo hướng không chỉ xử lý tài xế mà cả doanh nghiệp kinh doanh vận tải có phương tiện sai phạm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh. Cục Đăng kiểm phải thực hiện đổi mới, chống tiêu cực, nếu làm nghiêm sẽ không có xe quá khổ, quá tải.

“Năm nay không chống được tiêu cực thì toàn bộ lãnh đạo Cục Đăng kiểm chuyển đi làm việc khác”, ông Thăng nói. Theo ông Thăng, nếu tất cả phương tiện đều chấp hành đúng thì không việc gì phải đi đút lót, mãi lộ.

Mới xử lý phần ngọn

Trong hội nghị, một số đại biểu tham dự cũng cho rằng, việc kiểm tra tải trọng xe trên đường mới chỉ giải quyết phần ngọn.

Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên nêu hàng loạt bất cập... “Nhiều xe thấy trạm cân là dừng vào lề đường, cây xăng, quán ăn để tránh. Khi trời tối đồng loạt đổ ra đường, cố tình gây ách tắc buộc các lực lượng chức năng phải bỏ trạm cân để điều tiết giao thông. Thậm chí cho người giám sát trạm cân, khi nào trạm hỏng là đưa xe đi qua. Mạng 3G hoạt động không tốt, nhiều lúc trạm cân phải dừng hoạt động…”, ông Trí nói.

“Nếu xe của doanh nghiệp nào chở quá tải, doanh nghiệp đó sẽ bị tước giấy phép kinh doanh có thời hạn, nếu tái phạm sẽ tước vĩnh viễn”.

Trung tướng Đỗ Đình Nghị

Ông Nguyễn Văn Khoái, Giám đốc Sở GTVT Hà Nam nhận định, hiệu quả từ cân tải trọng xe đã thấy rõ, xe quá tải giảm hẳn, nhiều xe đã cơi nới trước đó phải dỡ bỏ, như của doanh nghiệp Xuân Thành... Tuy vậy, vẫn có tình trạng cho xe chạy đường vòng để tránh trạm cân, đỗ gần trạm chờ lực lượng chức năng lơ là sẽ cho xe chạy qua…

Để việc cân xe đạt hiệu quả, ông Khoái đề nghị bổ sung thêm lực lượng; chấn chỉnh tiêu cực trong lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông; nghiêm cấm cán bộ không can thiệp vào quá trình xử lý xe vi phạm; sửa đổi quy định theo hướng tăng xử phạt…

“Ngoài ra, phải thực hiện cân xe đồng loạt tại các tỉnh, để đảm bảo công bằng, hiện vẫn có một số tỉnh chưa triển khai”, ông Khoái nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, khi bắt đầu thực hiện cân tải trọng xe, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải gọi điện tới văn phòng hội than thở: “Họ đề nghị chúng tôi can thiệp để bảo vệ quyền lợi hội viên. Quan điểm của chúng tôi là, hiệp hội chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp”, ông Thanh nói.

Ngoài ra, theo vị này, siết tải trọng xe sẽ đưa giá cước vận tải về giá trị thật. Do đó, cần thực hiện thường xuyên, liên tục, 24/24 giờ.

Bộ trưởng Thăng thừa nhận, để xảy ra tình trạng xe quá tải phổ biến lâu nay do buông lỏng quản lý, trực tiếp là Bộ GTVT. Việc dừng cấp phép cho xe hoán cải cũng nhằm chấn chỉnh lại tải trọng xe. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục sửa quy định của pháp luật cho phù hợp, nghiêm minh hơn, kiên quyết cân tải trọng xe, khi nào hết xe quá tải mới thôi.

Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đã có 52/63 tỉnh thành triển khai cân tải trọng xe, xử lý 2.132 xe quá tải. Tuy vậy, 11 tỉnh chưa làm gì, 13-14 tỉnh làm hời hợt, thiếu kiên quyết.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.