Sẽ kiểm điểm người 'dời' Ninh Thuận, Bình Thuận về ĐBSCL

TPO - Ngày 13/4, trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Đình Chương – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở đã yêu cầu người ra đề thi tiến hành làm kiểm điểm về việc di dời 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận về Đồng Bằng Sông Cửu Long ở môn văn trong đề thi học kỳ 2 môn Ngữ Văn vừa qua.

Theo ông Chương, đây là sơ suất của một chuyên viên bộ môn Văn của Sở đã không kiểm tra kỹ khi làm đề, còn người phản biện đề cũng không chú ý. “Đây chỉ là sự nhầm lẫn về mặt kiến thức địa lý trong đề thi môn Văn, nhưng Sở sẽ vẫn tổ chức kiểm điểm, xử lý người ra đề. Hiện chuyên viên này đang phải làm kiểm điểm, giải trình vụ việc” – ông Chương nhấn mạnh.

Trả lời PV về việc vì sao Sở ra đề thi, có quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt nhưng lại có sai sót, ông Chương cho biết, theo nguyên tắc, đề thi học kỳ 2 lớp 12 sẽ do Sở ra đề. Quy trình rất nghiêm ngặt và mang tính bảo mật cao.

“Cụ thể, đề thi sẽ do một chuyên viên phụ trách bộ môn của Sở ra đề, sau đó sẽ có một người đứng ra phản biện lại đề thi. Do dựa trên nguyên tắc bảo mật nên đề thi chỉ có hai người này biết hoặc có thêm một lãnh đạo của Sở, vì thế, có thể do hai người này không cẩn trọng nên dẫn đến sai sót”, ông Chương giải thích.

Ông Chương cũng cho biết thêm, mặc dù đề thi có sai sót nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến kết quả của học sinh. Về biện pháp kỷ luật thế nào, Sở sẽ tiến hành theo quy trình và có thông báo kết quả sau.

Trước đó, ngày 12/4, học sinh lớp 12 của tỉnh Đồng Nai hết sức ngạc nhiên khi trong đề thi môn Văn – học kỳ 2, trong câu 1 của phần II (làm văn) có nội dung nói tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận là 2 trong 10 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Câu hỏi này yêu cầu học sinh phải viết một bài luận khoảng 400 từ, nói về hiện tượng biến đổi khí hậu nghiêm trọng đang diễn ra ở nước ta. Câu hỏi này cũng nêu ra là trích nguồn từ một tờ báo điện tử ra ngày 19/3, trong bài “Hạn, mặn tiến công Đồng Bằng Sông Cửu Long”.

Trong khi đó, Bình Thuận và Ninh Thuận thực tế lại nằm ở khu vực Nam Trung Bộ của nước ta.

MỚI - NÓNG