> Tuyển sinh vào lớp 10: Phải thi viết ba môn
> Học nghề - đường vào đời cho thí sinh trượt ĐH
> Bộ GD&ĐT nói về nghịch lý gửi giấy mời nhập học
Theo quy chế hiện hành, thí sinh được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan việc làm bài thi như bút viết, thước kẻ, bút chì đen… nhưng các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử.
Quy chế sửa đổi, bổ sung đã bỏ đi vế sau. Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT giải thích lý do sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường các biện pháp chống tiêu cực trong tổ chức thi, góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa thi cử.
Cũng mục đích góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa thi cử, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ đưa thêm một nội dung về việc xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi vào quy chế.
Theo đó, nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm quy chế thi là ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT cấp trung ương và cấp tỉnh hoặc thanh tra giáo dục các cấp.
Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi và phải gửi bằng chứng cho nơi tiếp trong vòng 7 ngày, tính từ khi kết thúc ngày thi.
Tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin về vi phạm quy chế thi trước hết phải bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin, đồng thời có trách nhiệm sau đó trách nhiệm bảo quản bằng chứng, xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng hoặc chuyển thông tin, bằng chứng đó đến cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý. Khi có kết quả xác minh, cơ quan có trách nhiệm phải công khai kết quả xử lý.
Dự thảo bổ sung, quy chế thi tốt nghiệp cũng làm rõ hơn quy định chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy chế.
Thí sinh sẽ bị đình chỉ thi khi mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi mà không đúng quy định, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi (dù chưa sử dụng).
Thí sinh còn bị đình chỉ thi khi nhận bài giải sẵn của người khác kể cả khi chưa sử dụng; chuyển hoặc nhận giấy nháp, bài thi cho thí sinh khác; cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau do chép bài của nhau.
Ở khâu chấm thi, nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm khách quan trong chấm thi tự luận, dự thảo quy chế bổ sung sửa đổi đưa thêm một khoản quy định về chấm kiểm tra và chấm thẩm định bài thi tự luận.
Theo đó, mỗi hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi, thực hiện chấm lại để kiểm tra ít nhất 10% số lượng bài thi do các giám khảo đã chấm xong, theo tiến độ chấm của hội đồng chấm thi.
Thành phần của tổ chấm kiểm tra gồm tổ trưởng là một phó chủ tịch hội đồng chấm thi, các tổ viên là cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định bài thi các môn tự luận của một số hội đồng chấm thi.
Hội đồng chấm thẩm định có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng về điểm chính thức của bài thi.