Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, sau 6 năm thực hiện Nghị định số 122, việc triển khai công tác pháp chế đã bộc lộ nhiều hạn chế, khâu tổ chức còn thiếu chặt chẽ. Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác pháp chế.
Tiêu chuẩn của các ban pháp chế, trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị chưa được quy định rõ. Các doanh nghiệp nhà nước nơi thì có tổ chức pháp chế chặt chẽ, quy củ nhưng cũng không ít nơi lại kiêm nhiệm, lơ là, thậm chí không có tổ chức pháp chế.
Từ đó, việc xây dựng và thực hiện các chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chưa nghiêm túc, chất lượng chưa cao; ở nhiều nơi, chất lượng thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật... còn thấp.
Cũng theo ông Cường, dự thảo Nghị định mới sẽ đề nghị giao trách nhiệm xây dựng tổ chức pháp chế cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Nghị định mới cũng sẽ xác định rõ tổ chức pháp chế chuyên trách tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tổng cục và tương đương…
Riêng đối với các cục thuộc bộ và cơ quan ngang bộ cần tạo nên cơ chế linh hoạt, tùy vào nhu cầu công tác mà có thể thành lập các phòng pháp chế. Nghị định mới cũng sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý thống nhất công tác pháp chế từ T.Ư đến địa phương.