> Đóng dấu xác nhận, đâu cũng gặp khó
> Ngư dân không có tiền hỗ trợ vì thiếu con dấu ở Hoàng Sa
Đài trực canh với thiết bị Icom tại Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Khó quản lý, theo dõi tàu thuyền
Bình Định có tới 2.000 tàu cá (từ 90CV trở lên) vừa được tỉnh phê duyệt hỗ trợ xăng dầu (theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ), lớn nhất so với các tỉnh, thành miền Trung.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, các tàu thuyền chủ yếu đánh bắt ở ngư trường phía Nam, trong đó ngư trường Trường Sa là nhiều nhất, số còn lại rải rác ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ 100 hồ sơ đăng ký nhận hỗ trợ đủ điều kiện (có dấu xác nhận) và sắp được nhận tiền.
Ông Hổ lý giải: Có ba nơi để ngư dân xác nhận vùng khai thác là đơn vị hải quân, nhà giàn và các xã đảo. Riêng hải quân chưa có con dấu nào, nhà giàn thì ngư dân khó tiếp cận vì điều kiện ra vào phụ thuộc, xã đảo thì ít tàu thuyền Bình Định tham gia đánh bắt gần đó nên việc xác nhận điểm khai thác bị chậm, vướng. Trong khi đó, do chi phí lớn nên máy định vị tầm xa chưa thể đến được với nhiều ngư dân, hiện chủ yếu dựa vào Icom, đài trực canh.
Đây cũng là thực trạng thiếu đồng bộ của miền Trung trong công tác quản lý, theo dõi tàu thuyền, triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) Bình Định cho biết, từ năm 2006, đơn vị tiên phong lắp đặt trạm bờ, theo dõi 200 tàu thuyền ngư dân, xác định được cả vị trí khai thác. Nhưng hiện máy móc xuống cấp, sóng thu của trạm không phù hợp với tần sóng của thiết bị tầm xa hiện nay nên không thể sử dụng.
Cách thức chính vẫn dùng máy Icom. Tuy nhiên, không phải ngư dân lúc nào cũng chủ động dùng máy Icom, trường hợp vào điểm khai thác tốt, họ hay tắt máy vì sợ lộ ngư trường khiến việc quản lý gặp khó khăn.
Tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng… việc quản lý theo dõi hàng nghìn tàu thuyền xa khơi cũng chủ yếu qua máy Icom, đài trực canh. Theo Sở NN&PTNT Đà Nẵng, địa phương thành lập các tổ đội khai thác, trang bị máy Icom miễn phí cho ngư dân, nhưng để xác định vị trí đánh bắt thì thiết bị này chưa đáp ứng được.
Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS Quảng Ngãi, cho hay, tháng 8, đơn vị lắp đặt trạm bờ máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS. Với các thiết này, trạm chủ động truyền, thoại thông tin nhanh, chính xác khi gặp sự cố rủi ro, và xác nhận vị trí khai thác của tàu cá trên biển.
Vấn đề ở chỗ, đến nay số tàu cá lắp đặt máy định vị tầm xa mới đếm trên đầu ngón tay nên chưa thể tích hợp các tính năng này. Còn lại chủ yếu vẫn nhờ vào Icom.
Sẽ được truy lĩnh nếu đủ điều kiện
Chủ tàu cá QNg 95807 TS công suất 600 CV, ông Trần Quận (Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi), trăn trở: “Tôi được tỉnh phê duyệt hỗ trợ xăng dầu từ tháng 6, chuyến vừa về thiếu con dấu nên chưa thể nhận hỗ trợ. Nếu đủ điều kiện, liệu có thể nhận lại số tiền 65 triệu đồng/chuyến này?”. Theo quy định, tàu cá được nhận hỗ trợ 4 chuyến/năm.
Ông Lê Viết Chữ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định, nếu đủ điều kiện, trong đó có dấu xác nhận ngư trường khai thác, ngư dân sẽ được truy lĩnh số tiền hỗ trợ xăng dầu. Mục đích hỗ trợ là đúng người, đúng đối tượng nhằm giảm bớt khó khăn cho ngư dân vươn khơi, bám biển nên tỉnh sẽ tạo điều kiện, miễn sao ngư dân đảm bảo các thủ tục.
Theo ông Phan Trọng Hổ, dự kiến cuối tháng 9, đầu tháng 10, gần 300 ngư dân Bình Định được hỗ trợ máy định vị tầm xa, đồng thời Chi cục KT&BVNLTS tỉnh lắp đặt trạm bờ để tự động xác định vị trí đánh bắt, tạo thuận lợi cho ngư dân thay vì phải trực tiếp đi xác nhận. Trường hợp tàu thuyền có trong danh sách phê duyệt nhưng thiếu giấy xác nhận các đợt trước sẽ được xem xét để truy lĩnh tiền hỗ trợ.
Ông Hổ cho biết, nếu ngư dân có xác nhận ngày đi, bến xuất, bến đỗ, thời gian khai thác, đồng thời có giấy chứng nhận của ngành chức năng thì căn cứ vào hoạt động thường xuyên của tàu thuyền tại ngư trường để được hỗ trợ.
Chiều 24-9, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định Phan Trọng Hổ xác nhận, 280 bộ thiết bị vệ tinh, định vị tầm xa được Bộ NN&PTNT hỗ trợ để lắp đặt tàu cá chuẩn bị được địa phương tiếp nhận và trực tiếp trang bị cho ngư dân. Theo Cục KT&BVNLTS, dịp này cả nước có 3.000 bộ thiết bị được phân bổ cho Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… |