Chiều 31/10, đội tuyển U19 Việt Nam đã trở về tới sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) sau thành tích vào tới bán kết giải U19 châu Á, đoạt vé tham dự VCK World cup U20. Tại đây, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo CĐV. Đội sau đó di chuyển thẳng về khách sạn Đệ Nhất để tham dự Lễ mừng công, có sự tham dự của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.
Tại giải U19 châu Á 2016 vừa diễn ra ở Bahrain, U19 Việt Nam đã thắng U19 CHDCND Triều Tiên 2-1 ở trận ra quân, hòa U19 UAE và U19 Iraq ở hai trận tiếp theo, qua đó giành quyền vào tứ kết với vị trí nhì bảng (5 điểm). Trước Việt Nam, trong khu vực Đông Nam Á mới chỉ 3 nước đạt được thành tích tương tự là Indonesia (1979), Malaysia (1997) và Myanmar (2015).
Ở tứ kết, U19 Việt Nam đã đánh bại một cách thuyết phục U19 Bahrain 1-0 để đi tiếp vào bán kết. Hành trình lịch sử của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ dừng lại ở bán kết, khi đối đầu với U19 Nhật Bản, đội sau đó đăng quang chức vô địch khi đánh bại U19 Saudi Arabia ở trận chung kết. Đội bóng của HLV Uchiyama đã lên ngôi với thành tích không để lọt lưới bàn nào trong suốt giải.
Tiếp tục tăng cường đầu tư đào tạo trẻ
Thành công của U19 Việt Nam được nhận định do nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến định hướng đầu tư cho đào tạo trẻ do VFF đặt ra từ đầu nhiệm kỳ VII. Kết quả này cũng nối tiếp những thành tích của các đội tuyển trẻ quốc gia Việt Nam 2 năm trở lại đây, gồm cả U16 và U23. Đến thời điểm hiện tại, bóng đá Việt Nam đang có khá nhiều lò đào tạo trẻ tốt, như HA.GL, PVF, Hà Nội T&T hay Viettel…Tuy nhiên theo Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, đây mới là thành quả bước đầu và để xây dựng được nền móng vững chắc hơn, các CLB ở Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư hơn nữa.
“Quá trình phát triển bóng đá ở nhiều quốc gia đòi hỏi thời gian không chỉ một vài năm mà có thể cả chục năm. Nền tảng của bóng đá Việt Nam có hạn, nên chúng ta cần đặt ra các mục tiêu thực tế, đúng sức mình để từ đấy vạch ra kế hoạch hợp lý. Chúng ta có thể mừng với thành tích của lứa U19 hiện nay, nhưng để có được những kết quả tốt hơn trong tương lai thì còn rất nhiều công việc phải thực hiện”-ông Trần Quốc Tuấn nói.
Một trong những hạn chế lâu nay, không chỉ với VFF mà cả các CLB, là vấn đề kinh phí. Theo tìm hiểu, số tiền dùng cho đào tạo trẻ VFF nhận được từ ngân sách mỗi năm chỉ vài tỷ đồng. Hầu hết được dùng cho công tác của trung tâm đào tạo trẻ, nhưng VFF vẫn phải bổ sung thêm. Với các đội tuyển trẻ quốc gia, cả nam và nữ, VFF phải tự chủ.
“Khó khăn là chung, không chỉ với riêng thể thao hay bóng đá, mà cả các ngành, lĩnh vực khác. Chúng ta cần chia sẻ với ngân sách, bởi bóng đá có từng ấy cũng đã là được ưu ái rồi. Tuy nhiên không phải vì khó mà chúng ta không làm. Điều quan trọng là bóng đá Việt Nam có định hướng lâu dài, để từ đó tiến từng bước, vững chắc chứ không vội vàng”-ông Trần Quốc Tuấn nói.
Với thành tích ở giải U19 châu Á, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã sớm nhận được 1,3 tỷ đồng tiền thưởng từ Bộ VH-TT&DL, VFF và VPF. Hôm qua, tuyển U19 Việt Nam tiếp tục được thưởng thêm 1 tỷ đồng, gồm 500 triệu từ Tập đoàn T&T, 300 triệu của cá nhân Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển và 200 triệu đồng từ tập đoàn Hanaka. “Tôi cho rằng cái được lớn nhất là thành tích của U19 Việt Nam đã tạo nên bầu không khí tươi sáng, sự lạc quan của công chúng về tương lai phát triển của bóng đá Việt Nam khi nhìn vào lứa trẻ của chúng ta”-ông Hiển giải thích quyết định rút tiền túi để thưởng cho U19 Việt Nam.
Theo Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, VFF sắp tới sẽ làm việc với HLV Hoàng Anh Tuấn để chuẩn bị kỹ cho U19 Việt Nam ở VCK U20 thế giới.