Chúng tôi thấy rất nhiều người giỏi vẫn muốn vào cơ quan Nhà nước. Không phải mọi người giỏi đều ra ngoài, có một bộ phận thôi. Ngoài việc thu nhập, người ta còn có lý tưởng, có trách nhiệm với Nhà nước. Tôi suy nghĩ rằng, làm thế nào để động viên được người tài, đừng để “khai thác” quá nhiều nhiệt tình của họ, mà phải quan tâm, đãi ngộ cho phù hợp hơn |
Bên lề phiên họp UB Thường vụ QH, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đã trao đổi với báo chí về Dự thảo Luật Công vụ và vấn đề đãi ngộ công ch ức. Ông Tuấn nói:
Chúng tôi đang rà soát, làm rõ thực chất số cán bộ công chức chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là bao nhiêu. Vấn đề đặt ra là phải đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền, quyết định chế độ chính sách cho cán bộ công chức phù hợp, động viên được cán bộ.
Còn về thu nhập, tôi đã nói ở nhiều diễn đàn, kể cả Quốc hội là chúng ta đang thực hiện cải cách tiền lương, nhưng cải cách phải trên cơ sở phát triển kinh tế, điều kiện kinh tế cho phép. Nhà nước có lộ trình từng bước nâng dần lương công chức, nhưng có những khu vực chúng ta chỉ quy định khung, có những đơn vị có quyền chủ động trong việc bố trí sắp xếp lương.
Vì vậy có những người thấy được đáp ứng nhu cầu thu nhập, môi trường làm việc… của cá nhân họ ở khu vực tư thì họ xin ra. Chúng ta mong có người giỏi làm ở khu vực công, nhưng chúng ta cũng động viên các thành phần kinh tế cùng phát triển. Như vậy, một số người ra khu vực tư làm việc phát triển kinh tế tốt, có điều kiện đóng thuế, góp phần phát triển kinh tế đất nước cũng sẽ bổ trợ cho giải quyết chính sách cho khu vực công.
Trong Dự thảo Luật Công vụ, Chính phủ cũng đề ra những quy định cụ thể về chính sách nhà ở, điều kiện, môi trường làm việc để công chức có điều kiện làm việc tốt, phục vụ lâu dài cho Nhà nước.
Khu vực công là nơi hoạch định chính sách, nếu không có được người tài thì có đáng lo không, thưa ông ?
Đó là điều phải suy nghĩ. Nhưng chúng ta không thể nóng vội, không thể trong một thời gian ngắn có thể nâng lương cho cán bộ cao hơn hẳn khu vực tư. Mong muốn là một chuyện, nhưng đi liền với nó là một loạt cơ chế, chính sách và quan trọng nhất phải trên cơ sở phát triển kinh tế. Chúng ta phải trả lương cho cán bộ công chức trên cơ sở kinh tế của chúng ta, như thế mới bền vững.
Vậy chúng ta sẽ đợi đến khi kinh tế phát triển rồi mới tăng lương cho cán bộ, điều này có vẻ như là một nghịch lý?
Không phải chúng ta ngồi đợi, chúng ta có làm, nhưng phải làm có lộ trình. Ví dụ tiến trình cải cách tiền lương, từ năm 2009 chúng ta sẽ nghĩ đến việc nâng lương phụ cấp cho công chức hành chính dần lên để khuyến khích những cán bộ có năng lực vào làm việc ở khu vực này.
Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm
Nguyên Bộ trưởng TN&MT Mai Ái Trực có phàn nàn trước Quốc hội rằng để thủ trưởng cơ quan kỷ luật được một công chức, dù là cấp xã cũng không đơn giản. Vậy, dự luật có trao thêm quyền cho người đứng đầu cơ quan xử lý những người sai phạm không?
Nói như Bộ trưởng Trực cũng không hẳn đúng. Bởi một công chức vi phạm, nếu có căn cứ thì đã có quy trình để sa thải. Chỉ có điều, trong quy định của chúng ta thì không trao cho thủ trưởng có quyền tự quyết việc kỷ luật mà phải có Hội đồng kỷ luật để tránh thiên vị, sai lệch khi đưa ra quyết định.
Như vậy sẽ có tình trạng xuê xoa khi xử lý cán bộ. Hơn nữa, dự thảo luật lại quy định, công chức 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ mới sa thải?
Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ trong công tác quản lý cán bộ. Với các doanh nghiệp nước ngoài họ quy định thoáng hơn, nhưng cứng rắn hơn đó là nếu người lao động sai thì bị sa thải ngay. Nhưng với chúng ta thì việc xem xét phải có tập thể để phát huy quản lý tập thể, tránh cá nhân hóa khi xem xét, quyết định, ảnh hưởng đến quyền lợi công chức. Tất nhiên đây mới là dự thảo cần bàn bạc thêm.
Lâu nay chúng ta vẫn thừa nhận “có một bộ phận cán bộ, công chức bị sa sút nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, chuyên môn”, dự luật có quy định về tính liêm chính của cán bộ công chức hay không?
Trong dự Luật Công vụ nêu rõ về đạo đức của công chức, những điều không được làm cũng như nếp sống văn minh ở công sở để xây dựng đội ngũ công chức có tư cách đạo đức tốt, mẫn cán.Về tính liêm chính của cán bộ, công chức, tôi thấy về cơ bản vẫn đạt tốt. Còn một bộ phận thực hiện chưa tốt thì đang có các giải pháp khắc phục, xử lý.
Nguyễn Tuấn
(ghi)