ĐBQH Lê Như Tiến cho biết, theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự kiến năm 2015 sẽ sửa đổi Luật Báo chí hiện hành. Việc giám sát thực thi Luật Báo chí sẽ góp phần phát hiện những chế định còn bất cập, chưa tạo điều kiện cho báo chí hội nhập và phát triển, chưa giúp cho cơ quan quản lý báo chí thuận lợi hơn. Vì vậy, Đoàn Giám sát đề nghị báo Tiền Phong kiến nghị những nội dung cụ thể về những khó khăn, thuận lợi trong việc thực thi Luật Báo chí.
Ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nói rằng, hiện nay, Luật Báo chí quy định cơ quan có quyền và nghĩa vụ phản hồi trước những thông tin trên mặt báo, nhưng nhìn chung các cơ quan được phản ánh ít phản hồi, mà thường chọn giải pháp im lặng.
ĐBQH Lê Như Tiến chia sẻ, thông qua giám sát, kết quả cho thấy các cơ quan có thẩm quyền chỉ trả lời 30% kiến nghị của các cơ quan báo chí. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Báo chí sẽ có hướng xử lý, chế tài về việc này.
ĐBQH Lê Như Tiến gợi ý, trong bối cảnh hiện nay, thị phần của báo giấy giảm sút, báo Tiền Phong nên có định hướng phát triển báo điện tử. Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn cho biết, báo Tiền Phong đã có những nỗ lực phát triển Tiền Phong điện tử, tuy nhiên, nguồn lực phát triển cho báo điện tử còn hạn chế. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần có thêm cơ chế, chương trình hỗ trợ cho các tờ báo làm nhiệm vụ chính trị.
Cảm ơn và ghi nhận những ý kiến nhận xét của Đoàn công tác, Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn cho biết, trong suốt thời gian qua, báo Tiền Phong luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm của các cơ quan như Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Báo Tiền Phong cũng luôn nhận được sự chia sẻ của các ĐBQH trước các vấn đề lớn của đất nước.