Chính phủ vừa thành lập tổ nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại một số sân bay quân sự, nghiên cứu kêu gọi xã hội hóa đầu tư khai thác một số sân bay hiện có. Tổ công tác còn có nhiệm vụ rà soát các đề xuất, kiến nghị của địa phương về bổ sung quy hoạch sân bay giai đoạn tới, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Trước đó, giữa tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã họp với lãnh đạo 15 tỉnh có nhu cầu mở rộng, xây mới sân bay và giao Bộ GTVT rà soát lại một lần nữa dự thảo quy hoạch sân bay thời gian tới.
Tại toạ đàm về phát triển sân bay nhỏ mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ: Đã đầu tư phải hiệu quả, nên khi làm phải không phân tán, dàn trải. Về việc nhiều địa phương muốn có sân bay, ông Cung cho rằng, không thể phủ nhận nhu cầu đó, đặc biệt trong trung hạn. Địa phương nào cũng đánh giá mình có tiềm năng về du lịch, đi lại, phát triển sản xuất… và sân bay được xem là cách để hiện thực hoá tiềm năng đó.
“Nhà nước tạo thể chế, công cụ để các địa phương kêu gọi nhà đầu tư tham gia làm sân bay. Muốn vậy phải xây dựng quy hoạch mở, không mang tính chủ quan của người xây dựng theo kiểu nhìn vào chân mình đoán tương lai, rồi biến quy hoạch thành điểm nghẽn cho phát triển”, ông Cung nói.
Chuyên gia này đề xuất, quy hoạch sân bay không nên chốt cứng số lượng bao nhiêu, ở đâu, cái nào làm trước, nên linh hoạt để địa phương nào kêu gọi được vốn đầu tư tư nhân tham gia vào thì làm. Kể cả các sân bay hiện có, nếu không hiệu quả, có thể kêu gọi tư nhân vào đầu tư.
Khai thác kinh doanh nhiều sân bay nhỏ hiện vẫn thua lỗ, khiến đề xuất xây thêm các sân bay mới gặp nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh sân bay Điện Biên Phủ) Ảnh: Phạm Thanh |
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lấy ví dụ về sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do tư nhân đầu tư để chứng minh cần thay đổi quan niệm đầu tư và và khai thác sân bay. “Từ thành công của sân bay Vân Đồn cho thấy, không nhất thiết Nhà nước phải làm sân bay. Cũng không thể vì nhiều sân bay hiện kinh doanh bị lỗ mà không cho làm sân bay mới, vấn đề là làm sân bay mới nên ưu tiên kêu gọi vốn xã hội hóa, tư nhân sẽ tự tính toán, cân đối để đầu tư, khai thác sao cho hiệu quả”, ông Thiên nói.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nêu quan điểm, cần tôn trọng việc các địa phương muốn có sân bay để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, quyết định có đưa vào quy hoạch hay không cần dựa vào cơ sở khoa học, có hệ thống, tầm nhìn dài hạn. “Các địa phương cần tính toán thật kỹ nhu cầu sân bay để giảm sai sót, không chỉ đưa vào quy hoạch, còn phải tính cả quá trình khai thác, nhu cầu các hãng, sự phối hợp với địa phương lân cận, nhà đầu tư để tính toán. Vị trí các sân bay gần nhau là yếu tố để cân nhắc, không phải yếu tố để loại trừ khỏi quy hoạch. Làm sân bay mới, chủ đầu tư nên ưu tiên kêu gọi vốn tư nhân, không chỉ trông vào vốn nhà nước”, ông Hiếu nói.
Lấy hiệu quả làm thước đo
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, máy bay là phương tiện đi lại thuận lợi và nhanh, nếu địa phương có sân bay nhỏ sẽ mở đường tiếp cận cho khách du lịch và nhà đầu tư nên nhiều tỉnh muốn có. “Việc đầu tư sân bay nhỏ, dù bằng nguồn vốn nào, cũng cần đảm bảo hiệu quả tổng hợp, đây là thước đo để quyết định có đầu tư hay không. Nếu không đạt tiêu chí này, việc đầu tư sẽ lãng phí tài nguyên, nguồn lực; không khả thi”, ông Vịnh nói. Cũng theo ông Vịnh, muốn làm sân bay đạt hiệu quả, cần kết nối với đường bộ, đường sắt. Kể cả kêu gọi xã hội hóa đầu tư sân bay cũng cần tính toán chi phí, lợi ích, không phải bằng ý chí chủ quan của ai đó, tránh lãng phí và phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư - người dân.
Nói về kinh nghiệm kêu gọi xã hội hoá triển khai sân bay Sa Pa, ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND Lào Cai cho biết, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh đều mong muốn có sân bay, nay mới làm được. Địa phương có Sa Pa là lợi thế, nhiều du khách trong và ngoài nước muốn tới. Tuy nhiên, để tăng tính hấp dẫn kêu gọi đầu tư cho sân bay này, địa phương đã quy hoạch thêm các tuyến cao tốc, đường bộ để kết nối, các khu đô thị, du lịch, logistics… Ngoài ra, ngân sách tỉnh cũng đầu tư thêm 850 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, tái định cư. Lào Cai đã phát hành hồ sơ mời thầu làm sân bay, đầu tháng 11 tới sẽ chấm thầu và công bố kết quả chọn nhà đầu tư vào đầu năm 2022.
Trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua. Bộ GTVT cho hay, hiện cả nước có 22 sân bay. Từ nay tới năm 2030, ngoài sân bay Long Thành đang xây dựng, chỉ bổ sung thêm 5 sân bay mới gồm: Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai), Nà Sản (Sơn La), Quảng Trị, Phan Thiết. Sau năm 2030, đầu tư sân bay Tiên Lãng (thay sân bay Cát Bi, Hải Phòng), sân bay thứ 2 vùng Thủ đô, sân bay Cao Bằng. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm một số sân bay ở các đảo như Lý Sơn, Phú Quý... Bộ này đề xuất, ngân sách nhà nước chỉ ưu tiên cho nâng cấp sân bay hiện hữu, với sân bay mới, các địa phương tự huy động vốn, cân đối nguồn lực và tổ chức xây dựng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, việc kêu gọi đầu tư sân bay mới không dễ, do vốn đầu tư lớn, trong khi quy mô sân bay thường nhỏ, doanh thu thấp, nên phương án tài chính thu phí để thu hồi vốn ít tính khả thi; thời gian hoàn vốn dài (khoảng 47-50 năm). Vì vậy, để hấp dẫn nhà đầu tư, cần hỗ trợ vốn phù hợp từ nhà nước trong giai đoạn đầu tư, khai thác.
Tại thời điểm trình Dự thảo quy hoạch sân bay, Bộ GTVT đã nhận được đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay của 11 tỉnh, khi đó bộ này không đồng thuận vì các địa phương này đều có điểm đánh giá thấp. Sau đó, tiếp tục một số tỉnh đề xuất thêm. Đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch đã đưa ra tiêu chí để chấm điểm tất cả các tỉnh thành, dựa trên các tiêu chí về nhu cầu vận tải, kinh tế - xã hội, quốc phòng, khẩn nguy, điều kiện tự nhiên, cự ly bố trí... Kết quả chấm điểm một số tỉnh đề xuất làm sân bay mới đều dưới 40 điểm. Cụ thể: Tuyên Quang chỉ được tổng 19 điểm; Bắc Kạn 12 điểm; Hà Giang 16 điểm; Bắc Giang 33 điểm; Hòa Bình 26 điểm; Ninh Bình 37 điểm; Hà Tĩnh 39 điểm; Quảng Ngãi 29 điểm; Ninh Thuận 28 điểm; Kon Tum 36 điểm; Đắk Nông 34 điểm; Bình Phước 39 điểm; Tây Ninh 31 điểm, Trà Vinh 21 điểm...