> Bài học đắt giá về quản lý hồ đập!
Tặng quà cho các hộ bị lũ cuốn mất thân nhân . |
Cơn lũ đột ngột cuốn đi 8 mạng người ở huyện biên giới Ea Súp có phần nguyên nhân từ việc xả lũ khẩn cấp ở hồ thủy lợi Ea Đrăng huyện Ea H’leo, để lại sau nó những thảm cảnh xót lòng và bài học đắt giá cho các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk.
Hôm nay, 25/9, nhóm phóng viên báo Tiền Phong lần thứ ba trở lại xã Cư K’Bang kể từ ngày thảm họa 17/9. Đoạn đường hơn 100 cây số tỉnh lộ I từ thành phố Buôn Ma Thuột vào tới xã có 99% đồng bào các dân tộc phía Bắc di cư tự do vào huyện Ea Súp, giáp biên giới Campuchia trước đây vốn đã nhiều đoạn hư hỏng, giờ càng gập ghềnh lầy lội sau đợt mưa dầm. Một trong 2 chiếc xe tham gia tặng quà cứu trợ của báo Tiền Phong, do bác sĩ Phan Thành Trinh cầm lái chở nhóm bạn thiện nguyện ngành Dược bị ngập sâu, phải nhờ xe công nông của đồng bào cột tời kéo khỏi vũng lầy.
Rách nát có lẽ nhất thôn 13, thôn xác xơ toàn mái rạ cột xiêu, chính là túp chòi rộng chỉ hơn chục mét vuông, trống trếch tứ bề mà vợ chồng bà Lý Thị Pằng cùng 5 đứa con lút chút trú ngụ suốt 5 năm qua. Nhìn người phụ nữ gầy gò thấp bé ngồi lặng nhớ thương chồng và 2 đứa con bị lũ vùi vừa được thôn xã giúp chôn cất xong, càng hiểu chỉ có tình mẫu tử vĩ đại mới giúp bà đủ sức mạnh để vừa địu con gái út mới hơn 1 tuổi, vừa lôi đứa con gái 16 tuổi bơi như lao qua dòng lũ, rồi kiên cường ôm con bám chặt một bụi cây suốt 3 ngày đêm trước khi được đội cứu hộ vớt lên thuyền.
Không rành tiếng Kinh, nhờ cậu cháu chồng dịch hộ, chị kể cho chúng tôi biết 5 năm trước, chị cùng chồng con di cư vào xã Cư K’Bang. Năm 2011, chồng chị phát hiện ra doi đảo nhỏ giữa suối Ea H’leo (thuộc lâm phần Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh) bèn rủ 3 gia đình anh em họ hàng vào khai phá để trồng trỉa.
Đảo cách nhà gần 20 cây số. Các con chị đều thất học, không có giấy khai sinh, phải theo cha mẹ lên rẫy nên 2 đứa bé mới chết thảm như vậy. Mùa vừa rồi thu hoạch được khoảng 3-4 tấn ngô, chưa đưa về nhà được đã bị cơn lũ cuốn sạch.
Ba gia đình bị nạn còn lại ở thôn 14 tuy có khá hơn gia cảnh chị Pằng đôi chút, nhưng nhà nào cũng nghèo. Hộ ổn nhất là ông Đào Văn Thanh chỉ đủ lúa ăn. Ông là người duy nhất trong 12 người bị lũ cuốn tự tìm được đường về nhà, nhưng xác vợ Lý Thị Di đến nay chưa tìm thấy. “ Thương vợ quá, đến giờ vẫn chưa biết nó nằm ở chỗ nào!”.
Cạnh nhà ông Thanh, gia đình anh Đào Văn Phương vẫn nặng nề không khí tang tóc bởi cùng lúc, anh mất cả bố mẹ đẻ là ông Đào Văn Dinh và bà Đào Thị Mỵ, vợ và đứa con đầu trong trận lũ. Xác vợ anh cũng trôi dạt phương nào tới nay chưa tìm được.
Chủ tịch UBND xã Cư K’Bang Đàm Văn Hà cho biết: Toàn xã có trên 2002 hộ dân, gần 1 vạn khẩu, thì 99% trong số đó là dân di cư tự do (DCTD) thuộc 9 dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ, Thái, Mường, Chứt, hầu hết quê ở Hà Quảng, Cao Bằng. Chỉ 1% còn lại là nhóm dân kinh tế mới quê Nam Định. Toàn bộ dàn cán bộ xã đều được “lảy” ra từ dân DCTD. Cả 4 gia đình nạn nhân của trận lũ đều dân tộc H’Mông, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để ổn định cuộc sống sau lũ, những gia đình này rất cần sự hỗ trợ của những đơn vị cá nhân hảo tâm.
Ngày 25/9/2013 Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên cùng nhóm độc giả thiện nguyện đã trực tiếp đến thăm hỏi, tặng 4 gia đình bị lũ cuốn mất 8 người thân ngày 17/9/2013 các phần quà gồm tiền mặt, thuốc bổ, vật dụng, chăn ấm trị giá hơn 10 triệu đồng.
Cứu hộ xe cứu trợ. |
Theo báo cáo của UBND xã Cư K’Bang, đến nay, 4 hộ đã được chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân xa gần giúp đỡ, phúng viếng, tặng quà tổng trị giá gần 200 triệu đồng.
Ông Đinh Văn Khiết phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết trong tuần tới, lãnh đạo tỉnh sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm, kiểm điểm xử lý các cá nhân đơn vị thiếu trách nhiệm, đồng thời rà soát lại các phần việc đã phân công cho các sở, ngành, địa phương về việc phân cấp quản lý 539 hồ đập thủy lợi, 15 hồ thủy điện lớn nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh.
Hoàng Thiên Nga - Vạn Tiếp
Ảnh : Nguyễn Quyền