Đã 10 năm, từ khi có Pháp lệnh về phòng, chống HIV/AIDS. Xin ông đánh giá khái quát tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng, những tiến bộ trong công tác phòng chống, và sự cần thiết một đạo luật để thay thế?
Tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn tập trung và có chiều hướng lan ra cộng đồng, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS vẫn ở mức độ cao.
Pháp lệnh năm 1995 đã góp phần tích cực vào công tác phòng chống HIV/AIDS, tuy nhiên, sau 10 năm thi hành, đã xuất hiện nhiều bất cập như: một số quy định về xét nghiệm phát hiện HIV khi khám sức khỏe định kì; khai báo tình trạng nhiễm HIV của người nước ngoài khi nhập cảnh; chế độ bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp cho người trực tiếp chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV; các ngành nghề người nhiễm HIV không được làm…đều không có tính khả thi trong thực tiễn, không phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới nảy sinh như: tư vấn, giám sát HIV/AIDS; các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV... cần phải được bổ sung.
Luật phòng chống ma túy, Pháp lệnh phòng chống mại dâm đã được ban hành, một số điều ước quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS mà nước ta là thành viên, cũng đòi hỏi Pháp lệnh hiện hành phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đây là những yêu cầu khách quan về một đạo luật thay thế pháp lệnh.
Dự thảo Luật phòng, chống HIV/AIDS nêu việc “cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch”. Việc này phải được tiến hành với một số đối tượng như thế nào để tránh bị hiểu là “khuyến khích” hành vi tệ nạn xã hội, thưa ông?
Điều 20 Dự thảo Luật có nêu việc “cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch”. Điều này đã được pháp luật một số nước quy định. Đây là một nội dung đã được nêu trong chiến lược quốc gia phòng chống AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.
Các chương trình bơm kim tiêm sạch tại Úc, Mỹ, Tây Ban Nha, chương trình 100% bao cao su tại các cơ sở dịch vụ giải trí cho gái mại dâm ở Thái Lan, Campuchia đã làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm ma túy, mại dâm, và từ đó giảm lây HIV cho cộng đồng.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy chương trình bơm kim tiêm sạch và bao cao su không làm tăng người nghiện hoặc tăng số lượng gái mại dâm. Việt Nam cũng đang tiến hành thí điểm ở một số địa phương như: An Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Các nghiên cứu cho thấy “Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch” không thể bị xem là khuyến khích tệ nạn xã hội. Nếu không quy định những vấn đề này thì tỷ lệ lây nhiễm càng cao.
Xung quanh việc cấp thuốc ARV (thuốc chống AIDS) cho người nhiễm AIDS, nhiều người cho rằng, luật cần quy định rõ những người đóng BHYT sẽ được chi trả tiền thuốc ARV, nếu chẳng may nhiễm HIV; nếu sắp tới, Việt Nam sản xuất được thuốc ARV giá rẻ, luật cần quy định cấp thuốc ARV miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS. Xin cho biết ý kiến của ông?
Hiện nay, nhu cầu sử dụng ARV trong điều trị AIDS rất lớn. Song có một số khó khăn trong tiếp cận ARV như: Không đủ thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị; Giá thành điều trị rất cao (nếu thuốc nhập khẩu chính hãng để điều trị cho 1 bệnh nhân AIDS/1năm tốn khoảng trên 2.500 USD).
ARV chỉ làm chậm lại quá trình tiến triển của bệnh, lại rất độc, đã điều trị thì phải dùng thuốc suốt đời mới có hiệu quả. Chính vì vậy, chỉ những ai có đủ tiêu chuẩn lâm sàng xét nghiệm và có khả năng tuân thủ điều trị mới được dùng thuốc.
Trước mắt, với nguồn ngân sách của quốc gia và sự hỗ trợ của một số dự án quốc tế, Nhà nước sẽ cố gắng cung cấp ARV miễn phí cho những người bị AIDS đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình điều trị, cũng như sử dụng ARV cho phụ nữ có thai để phòng lây HIV sang cho con và sử dụng ARV để điều trị dự phòng cho những người bị phơi nhiễm nghề nghiệp với HIV.