Sẽ buộc thôi học 51 thí sinh nếu tham gia gian lận thi cử

Cơ quan Công an bắt tạm giam những người có liên quan trong vụ gian lận thi cử THPT năm 2018.
Cơ quan Công an bắt tạm giam những người có liên quan trong vụ gian lận thi cử THPT năm 2018.
TP - Trong số 51 trường hợp thí sinh ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có bài thi được nâng điểm, song chấm thẩm định lại vẫn đủ điều kiện để tiếp tục học tại các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ), Bộ GD&ĐT cho biết sẽ xem xét buộc thôi học những thí sinh gian lận thi cử nếu có kết luận đã tham gia vào quá trình gian lận này.

Ðiểm sau thẩm định vẫn đủ điều kiện theo học

Tại Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức sáng 8/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã thông tin về một số vấn đề trong lĩnh vực giáo dục. Đề cập đến vụ việc gian lận thi cử xảy ra tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 25/5 phải kết thúc điều tra. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là phải minh bạch và xử lý nghiêm minh vi phạm thi cử. Ông cho biết, tiêu cực không phải chỉ có trong năm 2018 mà đã có từ trước. Chính phủ chỉ đạo và các đơn vị đã vào cuộc quyết liệt.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT về tình trạng vi phạm trong thi cử cho thấy, tại Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm đã công bố. Tại Hòa Bình, có 64 thí sinh được sửa điểm thi.

Bộ GD&ĐT cho hay, trong 108 thí sinh ở hai địa phương trên, có 1 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, 13 thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển ĐH, CĐ, còn lại 1 thí sinh đã nhập học vào Học viện An ninh năm 2017. Hiện 82 thí sinh đã nhập học vào 26 trường đại học, cơ sở giáo dục trong cả nước sau khi chấm thẩm định đã bị các trường buộc thôi học. Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển đang được các trường cho tiếp tục theo học.

Tại Hà Giang, có 39 thí sinh sau chấm thẩm định vẫn đủ điểm và đã nhập học tại 23 trường ĐH, CĐ. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là xử lý nghiêm khắc, xem xét buộc thôi học những thí sinh gian lận thi cử sau khi có kết luận của cơ quan điều tra về việc đã tham gia vào quá trình gian lận thi cử.

Phụ huynh vi phạm, phải nghiêm túc xử lý

Về xử lý trách nhiệm của các cá nhân và phụ huynh, quan điểm của Bộ GD&ĐT là phải minh bạch và xử lý nghiêm minh. “Tới đây những trường hợp vi phạm, kể cả các phụ huynh, tội danh đến đâu xử lý nghiêm đến đấy. Phải làm nghiêm túc, công bằng, chính xác”, ông Nhạ cho biết.

Đối với những người làm trong ngành, Bộ GĐ&DT khẳng định sẽ không bao che và không chấp nhận những người có hành vi gian lận được tiếp tục đứng trong hàng ngũ. Vì vậy, Bộ đề nghị các địa phương cùng với việc xem xét, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ giáo viên có sai phạm. “Khi cơ quan an ninh điều tra có kết luận thì căn cứ vào đó sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó phải đưa họ ra khỏi ngành”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Về điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia tới đây, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi. Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, các thí sinh tự do, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên phải thi chung điểm thi với học sinh lớp 12. Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm và giao nhiệm vụ cho các trường ĐH& CĐ chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Đối với việc chấm bài thi tự luận do Sở GD&ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.

Hàng trăm thí sinh được sửa điểm: Cần làm rõ góc khuất!

Ngày 8/5, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ liên quan đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, những tháng đầu năm 2019. Trong lĩnh vực giáo dục, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế ghi nhận những kết quả đạt được, nhưng cũng thẳng thắn cho rằng, hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế. Ðặc biệt công tác tổ chức thi THPT quốc gia còn để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh dẫn chứng kết quả điều tra cho thấy 222 thí sinh được nâng điểm, trong đó nhiều trường hợp đã trúng tuyển, đỗ thủ khoa các trường đại học một cách không thực chất. Về giải pháp trong thời gian tới, cơ quan thẩm tra yêu cầu xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018. Ðồng thời xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương. Chính phủ cũng cần tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi THPT và đại học năm 2019, tránh những sai sót, tồn tại đã từng xảy ra.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị báo cáo sâu hơn và đánh giá đúng về hiện tượng sai phạm này. “Ðây chỉ là những hiện tượng hay còn có vấn đề gì sau lưng? Tôi nói thật, khi đặt ra vấn đề sai phạm trong thi cử, tôi không nghĩ đây là vấn đề đơn giản của một số cán bộ quản lý ở một vài địa phương, khi lên đến hàng trăm em được sửa điểm. Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và phải ngăn chặn ngay”, ông Bình nhấn mạnh.

Thành Nam

MỚI - NÓNG