Sau vinh danh là lo lắng

Sau vinh danh là lo lắng
TP - Đờn ca tài tử đang được trình diễn ở nhiều khu du lịch, nhưng đó không phải là đờn ca tài tử thực sự vì nhiều người ca mà chưa thuộc hết lời, ca tài tử mà có cả tân nhạc.

> Lặng thầm hai nữ đờn trứ danh
> Đờn ca tài tử trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Đờn ca tài tử ở xã Vị Đông (Vị Thủy, Cần Thơ). ảnh: HOÀ HỘI
Đờn ca tài tử ở xã Vị Đông (Vị Thủy, Cần Thơ). ảnh: HOÀ HỘI.

Có lẽ anh Lê Văn Lộc - Phó giám đốc trung tâm Văn hóa TPHCM, là người đầu tiên thông báo tin vui Đờn ca tài tử được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại cho các phóng viên.

Anh Lộc lăn lộn một thời gian dài với Đờn ca tài tử, tham gia gây dựng phong trào Đờn ca tài tử từ cơ sở, tổ chức nhiều chương trình liên hoan, hội diễn.

Trong quá trình làm hồ sơ trình UNESCO, anh Lộc cũng là người đóng góp rất nhiều: “Ngoài việc tổ chức đi thu thập tư liệu về đờn ca tài tử tại 21 tỉnh thành phía Nam, chúng tôi còn tổ chức các cuộc liên hoan đờn ca tài tử từ cấp cơ sở, rồi đại nhạc hội Đờn ca tài tử quy tụ rất nhiều danh tài ở phía Nam.

Về công tác giới thiệu, chúng tôi đã tổ chức 2 hội thảo trong đó có 1 hội thảo quốc tế thu hút nhiều chuyên gia từ 30 quốc gia tham dự. Chúng tôi cũng đã đưa 2 đoàn Đờn ca tài tử đi trình diễn tại Thượng Hải (Trung Quốc) và tại Azerbajan”.

GS Trần Văn Khê - Cố vấn cao cấp trong việc xây dựng hồ sơ Đờn ca tài tử, đang nằm trên giường bệnh nhưng cố gắng trao đổi với chúng tôi: “Sự kiện này cho thấy thế giới đánh giá rất cao loại hình âm nhạc Đờn ca tài tử của miền đất phương Nam Việt Nam, và chứng tỏ sức sống của văn hóa truyền thống đang hòa vào dòng chảy văn hóa của nhân loại”.

Giáo sư cũng cho biết dù trước đây đã một lần, hồ sơ Đờn ca tài tử phải rút vào phút chót vì lý do thủ tục nhưng ông vẫn tin nó sẽ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cố nghệ sĩ Bạch Huệ trong một buổi đờn ca tài tử
Cố nghệ sĩ Bạch Huệ trong một buổi đờn ca tài tử.

Nghệ sỹ dân gian Hoàng Tấn - Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Nhà Văn hóa TPHCM cho biết: “Từ sự đam mê bộ môn nghệ thuật đặc sắc này mà chúng tôi đã tìm đến với nhau để chia sẻ và hình thành nên CLB. Việc tôn vinh sẽ làm cho chúng tôi có thêm động lực để hướng tới những hoạt động mang tính chiều sâu, chuyên nghiệp nhằm duy trì và phát triển di sản của cha ông để lại”.

Trong 8 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, có lẽ Đờn ca tài tử là bộ môn nghệ thuật dân gian có tuổi đời ngắn nhất (chỉ hơn 100 năm) nhưng được nhiều người biết tới.

Được phát triển từ ca Huế, nhạc cung đình và những chất liệu dân gian của nhiều vùng miền, Đờn ca tài tử mang hơi thở của vùng đất phương Nam trù phú và hào sảng. Từ hàng trăm năm nay, Đờn ca tài tử gắn liền với cuộc sống người phương Nam và hiện diện gần như trong mọi sinh hoạt văn hóa.

Từ đám cưới, đám ma, đám giỗ hay thậm chí chỉ là cuộc tụ họp dăm người, Đờn ca tài tử cũng hiện diện. Đi theo năm tháng, những nghệ sỹ dân gian Đờn ca tài tử đã nâng tầm bộ môn nghệ thuật này trở thành thú chơi tài năng đầy lãng tử, ngẫu hứng.

Nhưng cũng như nhiều môn nghệ thuật dân gian khác, đứng trước sự xâm thực của văn hóa ngoại lai, Đờn ca tài tử đã bị tác động khá mạnh mẽ. Anh Lê Văn Lộc bảo: “Đờn ca tài tử đang được trình diễn ở nhiều khu du lịch, nhưng đó không phải là Đờn ca tài tử thực sự vì nhiều người ca mà chưa thuộc hết lời, ca tài tử mà có cả tân nhạc. Đấy là người ta lợi dụng để kiếm tiền. Nếu cứ thế này thì Đờn ca tài tử sẽ bị mai một”.

Anh Lộc cũng cho biết cách đây vài năm, lãnh đạo TPHCM tổ chức vài chương trình Đờn ca tài tử dành cho du khách nhưng sau phải dừng lại vì thiếu kinh phí. “Thà làm ít chương trình mà đạt chất lượng còn hơn làm các chương trình… hàng chợ”- anh Lộc bảo.

Một trong những nỗ lực của TPHCM là xây dựng các đội nhóm, các CLB Đờn ca tài tử. Hiện nay, TPHCM có 118 CLB Đờn ca tài tử quy tụ hơn 2.000 thành viên.

Để duy trì và phát triển họat động Đờn ca tài tử đúng ý nghĩa, TP đã xây dựng quy chế hoạt động, làm sổ tay hướng dẫn tổ chức hoạt động Đờn ca tài tử tại cơ sở, tạo không gian và môi trường cho các CLB.

Các CLB này sinh họat ổn định và hàng năm đều có những cuộc liên hoan từ cấp cơ sở tới cấp TP. Nhiều CLB đã được tạo điều kiện để đến với các trường học, các đơn vị bộ đội để trình diễn, gây dựng phong trào.

Bên cạnh đó, Sở VHTTDL TP cũng đã phát động các cuộc thi sáng tác lời ca mới cho Đờn ca tài tử, tổ chức tôn vinh những nghệ sỹ dân gian Đờn ca tài tử. Đặc biệt từ tháng 8/2013, Liên hoan Đờn ca tài tử mang tên giải Hoa sen Vàng đã thu hút hàng ngàn thí sinh không chuyên tham dự.

Liên hoan đang đi tới những vòng cuối cùng và nhiều thí sinh đã chứng tỏ được tài năng của mình về Đờn ca tài tử. “Đó chính là những hạt giống mà chúng tôi đang hy vọng sẽ tiếp tục đi theo con đường gìn giữ và phát huy cái hay cái đẹp của Đờn ca tài tử”- anh Lộc cho biết.

TS Huỳnh Khải - Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc - Nhạc viện TPHCM, lại cho rằng để phát triển đờn ca tài tử trong bối cảnh các lọai hình giải trí lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay, Đờn ca tài tử cũng cần thay đổi: “Các phương tiện truyền thông rất phát triển, các loại hình nghệ thuật được đưa lên mạng rất nhiều, Đờn ca tài tử chưa làm được điều đó nên ít được quan tâm hơn”.

Còn GS Trần Văn Khê thì cho rằng trở thành di sản là một cơ hội lớn để Đờn ca tài tử nhận được sự chú ý quan tâm nhiều hơn để có cơ hội phát triển nhiều hơn nữa. “Một bộ môn nghệ thuật nào cũng cần phải được vun bồi, chăm sóc thì mới có thể như một thảo mộc đơm bông kết trái”- GS nói thêm.

BÁC HỌC VÀ DÂN GIAN

Trên bước đường Nam tiến, khẩn hoang lập nghiệp, cư dân vào miền đất mới châu thổ Cửu Long phải đối phó với bao trắc trở, lo toan: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng cọp tha” (ca dao).

Ông Nhâm Hùng
Ông Nhâm Hùng.

Trước thực tế hiểm nguy đó, hành trình phương Nam có ông “thầy thuốc” để trị bệnh; ông “thầy đồ” dạy chữ nghĩa; ông “thầy võ” chống lại thú dữ. Đặc biệt, không thể thiếu vắng ông “thầy đờn”, với nhiệm vụ chăm lo đời sống tinh thần. “Đờn ca tài tử” xuất hiện từ đó, dần trở thành nhu cầu trong đời sống đất phương Nam.

Khoảng vài thập niên cuối thế kỷ XIX, một số nhạc sư, nhạc công trong dàn nhạc cung đình Huế di cư vào vùng đất Đồng Nai - Cửu Long. Một số sĩ tử trong Nam ra kinh đô học hành, thi cử cũng mang về ít nhiều vốn liếng âm nhạc cung đình.

Từ hơi điệu chủ yếu “Bắc - Nam” của bộ môn nhạc lễ ngoài Huế, khi truyền vào vùng đất này, các nhạc sư đã “chế biến” sáng tạo thêm hơi “Oán” độc đáo. Dần dần họ tiếp tục chỉnh lý, viết thêm bài bản làm cho hơi điệu càng phong phú, mở rộng lối chơi cho cả người Đờn, lẫn người ca. Những nỗ lực trên, tạo thành một kiểu, cách sinh hoạt giao lưu nghệ thuật mới mẻ, thu hút đông đảo người mộ điệu, dân gian quen gọi là “Đờn ca tài tử”.

Người ta say mê Đờn ca tài tử, bởi nó vừa mang tính bác học, vừa đậm chất dân gian. Người có trình độ âm nhạc có cách thưởng thức thiên về học thuật, người bình dân thì nghe Đờn ca tài tử để thỏa nỗi vui, buồn. Bởi trong âm điệu bài bản có chất liệu dân ca hò, lý.

Ngay như dàn nhạc tài tử, cũng cho thấy sự cấu trúc nhạc cụ, nhạc khí rất cơ bản, chuẩn mực, với 4 loại: đờn kìm, đờn cò, đờn tranh, đờn độc huyền gọi là bộ “tứ tuyệt” có song loan cho người đờn chính (kìm).

Trên nền nghệ thuật nhạc lễ, phát triển thành Đờn ca tài tử nhanh chóng được truyền bá khắp vùng châu thổ sông Cửu Long. Nhiều thầy đờn thu nhận truyền dạy học trò, nhiều ban Đờn ca tài tử ra đời vang tiếng đó đây, như: Ban Tài tử Mỹ Tho của ông Tư Triều (Nguyễn Tống Triều), Ban tài tử Vĩnh Kim của ông Bảy Triều (Trần Văn Triều), Ban Tài tử nhạc khị Bạc Liêu, Ban Tài tử Ái Nghĩa (Cần Thơ), Ban Tài tử đình Thuận Hưng (nay thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) với NSƯT Năm Vĩnh.

Sau thời gian phát triển, đến giữa thế kỷ XX, phong trào Đờn ca tài tử có đến hơn 100 bài bản. Tuy nhiên, trong giới thống nhất lấy 20 bài bản tiêu biểu, gọi là bài bản “Tổ” để so tài và truyền dạy, với: “3 bài Nam, 6 bài Bắc, 7 bài Lễ và 4 bài Oán”.

Đời sống khá lên, Đờn ca tài tử càng là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với mọi người. Cuộc vui nào, khung cảnh sinh hoạt nào cũng có mặt Đờn ca tài tử: trong đám tiệc, ngoài sân vườn, trên ghe thương hồ. Ngoài ra, còn có kiểu chơi Đờn ca tài tử riêng lẻ trong tiệm hớt tóc, kho (lẩm) lúa, chòi chăn vịt giữa đồng v.v…Từ chốn “cao sang” cho đến nơi dân dã, thảy đều phù hợp với cuộc chơi tài tử, miễn người đờn và người ca có cùng trái tim hòa điệu.

NHÂM HÙNG
(Nguyên PGĐ Nhà hát Tây Đô)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG