3 trận thua, 8 lần thủng lưới (bao gồm 5 bàn ở cuối mỗi hiệp), 2 thẻ đỏ và 0 điểm, tất cả đã phơi bày những hạn chế của bóng đá Việt Nam. Đó là sự thiếu hụt thể lực và thể chất, khiến các cầu thủ cạn kiệt năng lượng và không thể duy trì sự tập trung vào những thời điểm nhạy cảm. Đó là sự non kém về mặt kinh nghiệm. Tất nhiên, khi phần lớn các cầu thủ được triệu tập lần này hoặc còn trẻ, hoặc ít khi khoác áo ĐTQG trước đây.
Thêm nữa, còn là hệ quả của sự dễ dãi ở V-League, khi những pha phạm lỗi thường được bỏ qua khiến việc sử dụng tiểu xảo, hay chơi thô bạo, trở thành thói quen. Tới lúc ra sân chơi quốc tế, nơi có những trọng tài nghiêm khắc và mọi hành động đều được VAR xem xét kỹ lưỡng, bị trừng phạt là không thể tránh khỏi.
Nhân nói tới V-League, có thể nói thêm về phong cách bóng đá. Triết lý chơi bóng chủ động, kiểm soát thế trận thông qua kiểm soát bóng của HLV Philippe Troussier vẫn quá mới với Việt Nam. Đơn giản vì tại V-League, không nhiều đội bóng chơi theo cách đó. Phần lớn đang chơi thứ bóng đá lạc hậu, dựa dẫm vào cầu thủ ngoại, “phất bóng cho Tây”.
Lần đầu tiên trong lịch sử, ĐT Việt Nam toàn thua tại Asian Cup. |
Sự thiếu đồng bộ từ cấp CLB đến đội tuyển, dẫn đến việc nhiều cầu thủ khi lên tuyển buộc HLV phải “cầm tay chỉ việc”, uốn nắn từ khống chế tới cách di chuyển. Khi những điều căn bản họ vẫn chưa làm tốt, thật khó để HLV triển khai những kiến thức cao siêu hơn, liên quan đến tư duy.
Các chiến tích phi thường có được khiến chúng ta nghĩ rằng đã đến lúc nghĩ lớn, làm lớn, hướng tới các mục tiêu vĩ đại như tham dự World Cup. Than ôi, hầu hết không thừa nhận nó chỉ mang tính giai đoạn, và đột biến, được tạo nên bởi cái gọi là “Thế hệ Vàng”. Nó có thể trở thành tiền đề cho những bước đột phá khác nếu có sự phát triển đồng bộ của cả nền bóng đá, không phải chỉ riêng cấp đội tuyển.
Thật ra điều này từng được người Thái đề cập tới trong những năm chúng ta say sưa với các chiến thắng. Khi người hâm mộ Việt Nam vỗ ngực tự hào, rằng ĐT Việt Nam là anh cả của bóng đá Đông Nam Á, đồng thời là đội duy nhất phất lá cờ Asean ở các đấu trường châu lục, trên các diễn đàn, người Thái nhận định đỉnh cao này sẽ qua rất nhanh, khi thế hệ này kết thúc. Lý do vì người Thái từng trải qua điều đó.
Bàn thắng của Quang Hải cũng là pha lập công duy nhất được tạo ra từ tình huống mở, thứ đại diện cho triết lý của HLV Troussier. |
Trong một thời gian, Thái Lan cũng có một “Dream Team”, đồng thời toàn bộ hệ thống bóng đá phục vụ đội tuyển. Những thành công cũng thúc đẩy họ nghĩ đến chuyện vươn tầm. Rồi người Thái sớm nhận ra đó chỉ là ảo tưởng, sau đó bắt tay xây dựng lại từ đầu.
Vì nhiều lý do, chúng ta thường bỏ qua người Thái. Thay vào đó, nhìn sang Nhật Bản với sự ngưỡng mộ. Có điều chúng ta quên mất rằng thành quả hiện tại của xứ mặt trời mọc cũng là quá trình dài nỗ lực thay đổi. J League ra đời làm biến đổi cả nền bóng đá Nhật, cùng với đó là các kế hoạch dài hạn “Tầm nhìn 100 năm”, rồi “Tuyên bố JFA 2005”.
Họ lấy bóng đá học đường làm nền tảng, xác định triết lý kiểm soát bóng là tôn chỉ, xây dựng văn hóa bóng đá trên toàn đất nước, chuyên nghiệp hóa các CLB, bên cạnh phát triển con người thông qua chế độ dinh dưỡng, khoa học thể thao. Bây giờ, người Nhật có một hệ sinh thái bóng đá đồ sộ, không chỉ thừa mứa tài năng xuất khẩu mà còn tạo nên một đội tuyển mạnh mẽ, có thể cạnh tranh ở tầm thế giới.
Còn chúng ta vẫn đang mơ ước, bổ nhiệm một HLV từng dự World Cup và hy vọng sẽ lặp lại điều đó với ĐT Việt Nam. Trong khi những gì ông ta cần, chúng ta đều thiếu.