Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, chung cư cũ tập trung chủ yếu ở các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Những chung cư này được xây dựng theo các tiểu khu nhà ở bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đến nay, nhiều công trình hết niên hạn sử dụng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm do hệ thống hạ tầng xuống cấp, cần được cải tạo.
Chia sẻ vấn đề cải tạo chung cư gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, khó khăn lớn nhất là vấn đề sở hữu.
Theo ông Hoa, chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội hiện nay thuộc 3 hình thức sở hữu chính là: Sở hữu Nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu của một số tổ chức, công ty. Đối với nhà chung cư thuộc sở hữu tư nhân (chiếm tỷ lệ lớn), tổ chức, khi muốn cải tạo phải có sự đồng thuận của tất cả các gia đình sở hữu căn hộ thuộc chung cư đó.
Đồng quan điểm với ông Hoa, ông Bùi Trung Dung - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, cần có cơ chế quyết liệt để giải quyết vướng mắc về sở hữu loại nhà ở này. Mặt khác trong cải tạo chung cư cũ, nhà hết niên hạn sử dụng phải quy hoạch xây dựng hạ tầng cho từng công trình, từng khu vực rồi nhân rộng ra.
Để thống nhất giải pháp xử lý loại nhà ở trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng khẩn trương lập dự thảo, gửi lãnh đạo bộ xem xét, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về việc tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định và xây dựng lộ trình sử dụng nhà nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng trong khu vực đô thị (trong đó có chung cư cũ), đặc biệt là những đô thị lớn.
Thứ trưởng yêu cầu việc kiểm tra, đánh giá nhà nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng phải thực hiện dựa trên những quy trình kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Hà Nội có khoảng 1.516 chung cư cũ, quy mô từ 2 - 5 tầng, hầu hết được xây dựng từ những năm 60 - 80 của thế kỷ XX, một số ít chung cư được xây dựng từ trước năm 1954.