Sáu người Việt thám hiểm Nam Cực

Sáu người Việt thám hiểm Nam Cực
Vượt qua nhiều thử thách, họ đã được 2041 (một tổ chức về thám hiểm và môi trường) tuyển chọn vào danh sách đoàn thám hiểm Nam Cực. Họ là ai?

Là người Việt Nam đầu tiên đặt chân và cắm quốc kỳ tại Nam Cực, trở thành đặc phái viên trẻ của UNESCO sau chuyến thám hiểm và là một nhà hoạt động môi trường, Hoàng Thị Minh Hồng (Trưởng đoàn Việt Nam) đã cống hiến hơn 12 năm qua cho rất nhiều chương trình nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Sáu người Việt thám hiểm Nam Cực ảnh 1

Hoàng Thị Minh Hồng - Ảnh: Tuổi Trẻ

“Sau khi về nước từ chuyến thám hiểm năm 1997, tôi chỉ một mình trong các nỗ lực nhằm đưa thông điệp này đến người dân ở Việt Nam. Lần này, tôi rất vui vì bốn thành viên mới đều rất nhiệt tình, thật sự quan tâm đến môi trường. Có rất nhiều thế mạnh trong các lĩnh vực khác nhau, nên khi quay về Việt Nam, chúng tôi có thể cùng nhau làm điều gì đó”.

Một trong những thử thách lớn nhất đối với các ứng viên Việt Nam là phải tự tìm nhà tài trợ để chi trả các chi phí chuyến thám hiểm. Nhờ có sự hỗ trợ từ 2041, đoàn Việt Nam đã được tài trợ 50% chi phí, nhưng họ đã phải tự gây quỹ cho số tiền còn lại, 10.000 USD cộng vé máy bay và trang thiết bị.

Điều đáng mừng là một số thành viên đã nhận được sự tài trợ của một số doanh nghiệp Việt Nam. Đây là điều tuyệt vời vì không chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài mới quan tâm đến các hoạt động môi trường mang tính quốc tế như thế này”.

Sẽ kể lại câu chuyện cho độc giả

Nguyễn Lan Anh (nhà báo - báo Sài Gòn Tiếp Thị): “Thực chất cho đến nay, vấn đề môi trường vẫn chưa được quan tâm thích đáng trên báo chí và chưa trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, cũng như người dân Việt Nam.

Sáu người Việt thám hiểm Nam Cực ảnh 2

Nguyễn Lan Anh - Ảnh: Tuổi Trẻ

Chúng ta đang đánh đổi môi trường sống lấy sự phát triển kinh tế. Đây là đề tài mà tôi đeo đuổi, cũng như mong muốn những bài báo của mình sẽ góp phần nâng cao nhận thức của mọi người. Vì thế, khi nghe thông báo về một cơ hội thám hiểm Nam Cực, tôi lập tức đăng ký tham gia.

Những chuyến thám hiểm của 2041 không đơn thuần là một cuộc du ngoạn để thỏa mãn ý thích cá nhân. Được đặt chân lên châu lục này là một may mắn lớn. Nhưng với một phóng viên, điều may mắn hơn nữa là được trực tiếp đến đó và kể lại câu chuyện với độc giả của mình”.

Đi để được thử thách

Nguyễn Phương Anh tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, hoàn thành bằng thạc sĩ quản trị Trường Solvay (Bỉ), đã kinh qua nhiều công việc, từ chánh văn phòng Công ty luật Coudert Brothers (Mỹ), giám đốc điều phối của Samsonite khu vực Nam Á đến giám đốc chi nhánh Công ty chứng khoán Thiên Việt tại TP.HCM (TVS).

Chị đã dành nhiều thời gian để theo đuổi những sở thích cá nhân, rong ruổi khắp 20 nước ở ba châu lục và từng sống tại Canada bốn năm.

Sáu người Việt thám hiểm Nam Cực ảnh 3

Nguyễn Phương Anh - Ảnh: Kinh Luân (Tuổi Trẻ)

Động lực thôi thúc chị đăng ký tham gia chuyến thám hiểm?

Nam Cực là một trong những điểm đến hoang sơ nhất còn tồn tại trên thế giới, nên đó là nơi tôi muốn đặt chân đến và hi vọng có thể chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ chuyến đi này với tất cả mọi người để góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Là một phụ nữ, hơn nữa là một bà mẹ của hai đứa trẻ, chị có tin mình sẽ chịu đựng được sự khắc nghiệt của thiên nhiên ở đó?

Từng sống ở Calgary (Canada), nơi nhiệt độ những ngày rét có thể xuống đến -35 độ C, nên tôi hoàn toàn tin tưởng mình có thể chịu đựng được.

Điều khó khăn nhất với tôi chính là việc sẽ hoàn toàn không được liên lạc với gia đình trong suốt chuyến đi (email cũng chưa chắc đã liên hệ được thường xuyên) để toàn tâm toàn ý trong trách nhiệm với cộng đồng. Quả thật, tôi chưa bao giờ bị thử thách kiểu này!

Không ai cả, trừ chính chúng ta

Trước khi là giám đốc điều hành Trường quốc tế Úc Sài Gòn - AIS, Nguyễn Thị Thu Thủy làm việc năm năm cho Tetra Pak, phụ trách chương trình sữa trong nhà trường rồi giám đốc truyền thông và môi trường.

Chị đã xây dựng và thực hiện thành công chương trình giáo dục “Tái chế và môi trường”, giành giải nhất World Bank năm 2005 và giải thưởng của Bộ Tài nguyên - Môi trường năm 2006.

Sáu người Việt thám hiểm Nam Cực ảnh 4

Nguyễn Thị Thu Thủy - Ảnh: Tuổi Trẻ

“Tại Việt Nam, hiện đã có nhiều chương trình giảng dạy về môi trường, nhưng thực tế vẫn chưa rộng rãi và phổ cập. Đưa một lịch làm việc cụ thể mỗi ngày bạn cần làm gì để cải thiện và bảo vệ môi trường và phổ biến rộng rãi, đó chính là ý tưởng tôi muốn làm trong thời gian tới".

"Không có một superman (siêu nhân) nào sẽ đến Trái đất để cải thiện môi trường. Không có một tổ chức nào có thể giải quyết được vấn đề nóng lên toàn cầu. Chỉ có nỗ lực của mỗi người trên hành tinh này mới cải thiện được tình hình”.

Đeo đuổi khát vọng môi trường sạch

Lê Tuấn là tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh quốc tế và là một doanh nhân trong lĩnh vực tài chính dự án, thực hiện các dự án nhằm hình thành các công trình cơ sở hạ tầng có tính thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, vừa mang mục đích kinh doanh, vừa phục vụ lợi ích cộng đồng.

Sáu người Việt thám hiểm Nam Cực ảnh 5

Lê Tuấn - Ảnh: Tuổi Trẻ

“Tôi rất hãnh diện được tham gia đoàn thám hiểm Nam Cực 2009 với tư cách một doanh nhân. Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp tiếng nói ở tầm quốc tế, đồng thời biến câu chuyện đó thành câu chuyện của chính mình.

Tôi đã đeo đuổi nhiều khát vọng, mong muốn làm được nhiều điều cũng như hi vọng sẽ được nhiều người ủng hộ, ví dụ như các dự án năng lượng sạch và điện gió đang triển khai tại Bình Thuận...”.

Người thứ 6

Theo thông tin mới nhất, 2041 vừa chấp nhận thành viên thứ sáu đoàn Việt Nam tham gia thám hiểm Nam Cực - Nguyễn Thị Phương Ngân, cán bộ giáo dục môi trường của WWF Việt Nam.

Sáu người Việt thám hiểm Nam Cực ảnh 6
Nguyễn Thị Phương Ngân. Ảnh: Tuổi Trẻ

Phương Ngân tốt nghiệp cao học quốc tế học về môi trường tại New Zealand, từng là cán bộ truyền thông Trung tâm Giáo dục môi trường (ENV) - một tổ chức NGO Việt Nam, tham gia các dự án “Đói nghèo và môi trường” của UNDP và Bộ Tài nguyên - môi trường, chiến dịch Giờ Trái đất (EH)...

Theo Hoài Trang
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG