Sau bích họa là phố đi bộ Phùng Hưng

Bích họa khiến không gian phố Phùng Hưng sáng sủa, sinh động hơn. Ảnh: Toan Toan.
Bích họa khiến không gian phố Phùng Hưng sáng sủa, sinh động hơn. Ảnh: Toan Toan.
TP - Các họa sỹ biến một số vòm cầu Phùng Hưng thành những bức họa rực rỡ. Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cho biết dự án bích họa chỉ là khởi đầu để lan tỏa không gian đi bộ phố Phùng Hưng.

Không gian nghệ thuật

Qua phố Phùng Hưng những ngày này không ít du khách, người dân dừng lại ngó nghiêng và chụp ảnh. Bốn tác phẩm bích họa đầu tiên khiến cho những vòm cầu trở nên sinh động hơn. Số còn lại trong 18 tác phẩm dự án bích họa phố Phùng Hưng sẽ được hoàn thiện trong cuối tháng 11. Đây là chương trình “đưa nghệ thuật vào không gian sống” do UN-Habitat phối hợp Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện. 

“Chúng tôi xác định cầu Long Biên, đường dẫn lên cầu và không gian phụ cận là quần thể di sản đô thị. Quận Hoàn Kiếm tính tới sắp xếp lại không gian công cộng cho hiệu quả. Phát huy giá trị di sản cầu Long Biên là việc nên quan tâm và có thể làm. Đục thông vòm cầu chính khôi phục lại giá trị nguyên bản, kết hợp hơi thở đời sống đương đại như ý tưởng của Chủ tịch UBND thành phố - đưa vào các hoạt động nghệ thuật, trung tâm sáng tạo, hoạt động cho thanh niên đặc biệt đánh thức cộng đồng góp phần bảo tồn di sản đô thị”, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nói.

Trong lúc chờ khảo sát và thử nghiệm đập thông vòm cầu, các nghệ sỹ làm đẹp các đoạn dẫn lên cầu Long Biên bằng các tác phẩm nghệ thuật đã qua tuyển lựa. Ông Phạm Tuấn Long cho biết, những vòm cầu làm bích họa không ảnh hưởng tới quy hoạch ga chuyển tàu từ tuyến đường sắt Lê Văn Linh-Hàng Cót. Hơn nữa chi phí cho việc làm đẹp phố không đáng kể nhưng hiệu quả tích cực. “Mỗi con phố trong khu vực phố cổ và phố cũ Hà Nội mang trong mình lớp tầng văn hóa và nghệ thuật. Do vậy những hoạt động trên là hoàn toàn thích hợp. Tôi rất ủng hộ Hà Nội cũng như UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu khai thác kiến trúc cầu cạn đường sắt, sử dụng các công cụ nghệ thuật như âm thanh, ánh sáng, hội họa, các hoạt động làm mới và tái tạo đô thị trên nền kiến trúc thuộc địa sẵn có”, KTS Lê Việt Sơn nói. 

Đến phố đi bộ

Dự án đập thông vòm cầu Phùng Hưng và biến nơi đây thành không gian nghệ thuật, đi bộ nằm trong phương án cải tạo không gian chợ Đồng Xuân và kết nối vùng phụ cận. Hà Nội hiện có ba tuyến phố đi bộ: Hàng Đào-Hàng Giấy, khu vực 6 tuyến phố cổ và phố đi bộ Hồ Gươm. “Quy hoạch tương lai của Hoàn Kiếm tiến tới đi bộ trong toàn bộ khu phố cổ. Đó là kế hoạch lâu dài, chúng tôi sẽ làm từng bước, vừa làm vừa nghiên cứu điều chỉnh phù hợp yêu cầu sinh hoạt của người dân, nhu cầu du khách và thúc đẩy hoạt động thương mại khác”, ông Long nói. 

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm coi dự án Phùng Hưng là hạt nhân lan tỏa việc phát huy di sản đô thị. Minh chứng sinh động nhất chính là phố đi bộ Hồ Gươm, theo đánh giá “thay đổi toàn bộ kinh tế xã hội, trước chỉ bán túi bán cặp nay chuyển sang hàng hóa có giá trị cao hơn, phục vụ du khách tốt hơn và khiến khu phố cổ trở nên hấp dẫn hơn”. Ở các khu vực này nhà nước bỏ tiền đầu tư không nhiều, sau đó người dân tự chỉnh trang phần mặt tiền đẹp hơn. 

Phố đi bộ Phùng Hưng trong tương lai không chỉ mở ra không gian công cộng mới, hấp dẫn cho Hà Nội mà còn giúp kéo giãn mật độ du khách và người dân mỗi dịp lễ. “Phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy mang tính chất thương mại, đi bộ trong khu phố cổ liên quan du lịch, quán ăn và di tích, khu vực Hồ Gươm là cảnh quan. Phố Phùng Hưng sẽ trở thành không gian nghệ thuật và startup”, ông Long cho hay. Sau khi hoàn thiện các giai đoạn mở thông vòm cầu Phùng Hưng, Hà Nội thí điểm phố đi bộ ở đây tương tự khu Hồ Gươm.

Ông Long cho biết, ở Đức cũng có dự án tương tự phố Phùng Hưng, tuy nhiên bích họa của họ không có sự kết nối không gian xung quanh. Còn dự án ở Phùng Hưng sinh động hơn: Tranh của Trần Hậu Yên Thế chính là chiếc gương phản chiếu khung cửa số nhà đối diện, có vòm cầu tái hiện chợ xe máy Phùng Hưng, rạp Lạc Việt thì phần cửa chính biến thành sân khấu múa rối, tác phẩm máy nước công cộng của họa sĩ Thế Sơn sẽ có máy nước công cộng thời bao cấp. Sau khi hoàn tất việc đập thông vòm cầu, Hà Nội có kế hoạch chi tiết sắp xếp hoạt động ở từng ô, trong đó có cả cà phê, trung tâm nghệ thuật phù hợp với không gian xung quanh. 

2018 đục thông vòm cầu Phùng Hưng

Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết dự án đục thông vòm cầu xong trong năm 2018, đơn vị tư vấn thiết kế và thực hiện có giải pháp thi công đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. “Thế giới không có nhiều đô thị đặc trưng như Hà Nội, tuyến đường sắt cho tàu hỏa trên cao càng không có nhiều. Đây là cơ hội cũng như thách thức cho các nhà làm chuyên môn, các kiến trúc sư và chính quyền. Việc ứng xử với nó như thế nào, tổ chức hoạt động gì, tương tác với cộng đồng dân cư tại đó ra sao, gắn kết nó với các khu vực lân cận, đánh giá đúng vai trò, vị trí ảnh hưởng của nó trong đô thị là cần thiết và vô cùng quan trọng trước khi chúng ta đề xuất làm gì”, KTS Lê Việt Sơn nói.

MỚI - NÓNG
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
TPO - Nhận xét về ca sĩ Phạm Anh Duy, cả Thu Minh và Trấn Thành bị khán giả chỉ trích miệt thị ngoại hình đàn em. Trong tập 12 "Bài hát của chúng ta", bốn gương mặt nghệ sĩ phải nói lời chia tay với chương trình.