Sau bài: “Sẽ đổi giờ học, giờ làm”: Bạn đọc hiến kế

Lòng đường nhiều tuyến phố bị biến thành chỗ đỗ xe. Ảnh: T.Đ
Lòng đường nhiều tuyến phố bị biến thành chỗ đỗ xe. Ảnh: T.Đ
TP - Sau khi Tiền Phong đăng bài "Sẽ đổi giờ học, giờ làm", nhiều bạn đọc đã hiến kế để giải quyết nạn tắc đường ở Hà Nội.

> Sẽ đổi giờ học, giờ làm?

Lòng đường nhiều tuyến phố bị biến thành chỗ đỗ xe. Ảnh: T.Đ
Lòng đường nhiều tuyến phố bị biến thành chỗ đỗ xe. Ảnh: T.Đ.
 

Di dời các trường ra ngoại thành

Để giải quyết tắc đường tại Hà Nội (vì tôi sống tại Hà Nội) tôi nghĩ chỉ cần giải quyết ngay những vấn đề sau đây là ổn: Chuyển tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ra ngoại thành, cách trung tâm Hà Nội ít nhất 45km; Quy hoạch chuyển các bệnh viện tuyến T.Ư ra các đô thị vệ tinh.

Xây dựng và phát triển các bệnh viện tuyến cơ sở thật chuẩn để tránh tình trạng vượt tuyến. Kiểm soát, giới hạn đăng ký thành lập các hãng taxi, khống chế số lượng xe trong mỗi hãng.

Chỉ nên thay đổi giờ học với học sinh trung học

Tôi nhất trí với tính toán của Bộ trưởng Đinh La Thăng về thay đổi giờ làm việc nhằm giảm ùn tắc giao thông. Nhưng nên thay đổi giờ học đối với học sinh trung học phổ thông và sinh viên, vì hai bộ phận này không lệ thuộc vào cha mẹ khi đến trường. Còn lại, kể cả công chức, viên chức nhà nước hay doanh nghiệp đều liên quan mật thiết việc học của con trẻ, đến giờ nhận và trả con của các trường.

Vẫn phải 9 giờ mới vào cơ quan

Người Hà Nội trên đường đi làm còn kiêm đủ thứ việc, đưa đón con đi học, đưa “nửa kia” đến cơ quan hoặc đến trường... nên họ vẫn phải đi trên đường vào giờ cao điểm. Hãy tính toán cho kỹ phương án này.

Liệu có khả thi?

Điều chỉnh giờ học, lại kéo theo điều chỉnh giờ đưa đón con đi học, lại ảnh hưởng thời gian làm việc của bố mẹ, của cơ quan. Liệu có khả thi?

Không phải cấm việc này việc nọ là được

Để hạn chế ùn tắc giao thông phải có giải pháp lâu dài, hiệu quả chứ không phải là cứ đề ra chủ trương cấm việc này, việc nọ... Đề nghị các nhà lãnh đạo cần có cái nhìn rộng hơn.

Theo tôi, phải quy hoạch di dời hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các chợ trung tâm, các bệnh viện, một số cơ quan hành chính nhà nước...tập trung ra vùng ngoại thành, kết hợp với quy hoạch đầu tư phát triển khu dân cư, đường giao thông có quy mô rộng lớn để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đề xuất hay

Đây là một ý tưởng hay, cần tổ chức thực hiện ngay, biện pháp này không mất nhiều thời gian, không tốn kém kinh phí. Cần nghiên cứu kỹ để khi ứng dụng vào cuộc sống phù hợp hơn, hình thành thói quen trong cộng đồng.

Giải phóng lòng đường

Tôi đề nghị làm ngay việc cấm tuyệt đối dùng lòng đường và vỉa hè làm nơi đỗ xe, hoặc kinh doanh, vừa không vi phạm bất cứ luật nào vừa là một biện pháp hữu hiệu hạn chế xe cá nhân, và tạo điều kiện cho người dân có đường để đi bộ.

Giải tỏa các “cổ chai”

Tôi thấy trong các giải pháp Bộ trưởng Bộ GTVT và các cơ quan Hà Nội bàn, có giải pháp cấm sử dụng lòng đường, vỉa hè làm điểm trông giữ xe là hay nhất, và khả thi nhất. Tuy nhiên, còn một điểm tôi muốn đề cập thêm, là Hà Nội cần kiên quyết giải toả các điểm “nút cổ chai” trên các tuyến đường, vì đó chính là các điểm tạo ùn tắc.

Điểm nút cổ chai ở đầu đường Kim Ngưu chẳng hạn, không hiểu sao mấy hộ rửa xe vẫn được chiếm dụng một khoảng đất lớn làm hẹp ngã tư rất nhiều, gây ùn tắc thường xuyên?

Hay nhưng khó

Cấm để xe ở lòng đường thì còn làm được chứ vấn đề cấm để xe ở vỉa hè thì các hàng quán kinh doanh thế nào nhỉ. Khó đấy.

Sử dụng lòng đường làm nơi đỗ xe ô tô các loại đang là vấn đề bức xúc. Có con đường nào ở HN không bị kẻ ô vài đoạn để cho xe ô tô đỗ và thu tiền. Hãy dẹp ngay ngày mai đi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ạ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG