Sau ánh đèn sân khấu: Những tài tử trong... viện dưỡng lão

Ca sĩ Mỹ Tâm đến chúc Tết, chung vui với các nghệ sĩ già tại Viện Dưỡng lão Nghệ sỹ vào dịp Tết vừa qua. Ảnh: Q.Đ.
Ca sĩ Mỹ Tâm đến chúc Tết, chung vui với các nghệ sĩ già tại Viện Dưỡng lão Nghệ sỹ vào dịp Tết vừa qua. Ảnh: Q.Đ.
“Cứ hàng tháng, rồi các dịp lễ, Tết, các nghệ sĩ già bỗng như trẻ lại, với áo mão, cân đai, công hầu khanh tướng… phục trang và hóa trang đầy đủ, lấy chút tàn hơi để diễn các trích đoạn cải lương, hát bội cho đỡ nhớ nghề, nhớ ánh đèn sân khấu một thời…”.

Ông Trần Nguyên, phụ trách Viện Dưỡng lão Nghệ sỹ cho biết như vậy.

Tối 27/2, Ngân hàng Nhà nước ra thông cáo báo chí khẳng định không xem Bitcoin là tiền tệ cũng như phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đây là phản ứng đầu tiên của ngân hàng trung ương đối với đồng tiền ảo này.

Lo Tết người, quên Tết mình

Tiết trời vẫn còn Xuân, ngồi ở dãy ghế đá của Viện Dưỡng lão Nghệ sỹ (nằm sâu trong con hẻm 314/65, Âu Dương Lân, phường 3, quận 8, TP HCM), thi thoảng tôi bắt gặp vài nghệ sỹ già ra vào vẫn son phấn trang điểm.

Nơi đây là ngôi nhà chung của khoảng 20 nghệ sĩ già (trên 70 tuổi), neo đơn từ hàng chục năm nay. Nghệ sĩ Lệ Thẩm trần tình “son phấn từ thời bước lên sân khấu cũng đã quen, mà trang điểm đôi chút cũng làm gợi nhớ một thời ca hát”.

Còn nghệ sĩ Trường Sơn (tên thật là Nguyễn Văn Sơn, 75 tuổi) kể, ngày xưa, cứ năm hết Tết đến thì người dân Nam bộ đều dành thời gian cho các hoạt động giải trí đặc sắc, mà đi xem hát, xem tuồng cải lương là nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời. Suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật, những nghệ sĩ đều mang hương vị mùa xuân đến cho mọi người mà quên mất Tết của bản thân mình.

Nhắc lại những năm tháng vàng son, nghệ sĩ Trường Sơn bồi hồi: “Hồi đó, trên 20 tháng Chạp là các ông bầu đã cho ngưng công diễn để các nghệ sĩ nghỉ ngơi vài ngày. Các bộ phận khác thì mỗi người một tay chuẩn bị đón năm mới như: người sơn lại bảng hiệu, người trang hoàng bàn thờ Tổ, người lo tập tuồng Tết…

Cứ thế cho đến đêm 30 thì cả đoàn cùng ngồi với nhau để cúng rước Tổ. Sau giây phút thiêng liêng đó, họ đều biết, giờ là lúc phải hoạt động hết công suất. Vì số lượng người xem quá đông nên trong một ngày phải chia ra nhiều suất diễn. Suất sáng, suất trưa, suất tối, suất đêm.

Có hôm, đã 12 giờ khuya, cả đoàn đều mệt lả, nhưng bà con ái mộ quá, không chịu về, cứ yêu cầu hát nữa cho họ nghe. Nghiệp cầm ca, được sự ưu ái của khán giả là niềm hạnh phúc nên cả đoàn cố gắng phục vụ tới tận 4 giờ sáng hôm sau. Tới khi người xem hoan hỉ ra về thì đoàn hát ai nấy cũng ỉu xìu vì mệt”.

Trót mang cái nghiệp vào thân

Cực khổ là vậy, nhưng chính trong những ngày Tết như thế, các nghệ sĩ lại nhận được không biết bao nhiêu tình cảm, sự sẻ chia của bà con. Họ đi xem rồi mang bánh chưng, bánh tét đến tặng.

Nhiều người còn cho cả thịt, cá nữa. Chỉ chừng đó là đủ cho những người nghệ sĩ ngồi quây quần bên nhau, ăn uống trong tiếng pháo Tết nổ. Xong, lại lật đật dọn đồ đi diễn tiếp ở những miền đất khác.

Một thành viên khác của Viện Dưỡng lão Nghệ sỹ là nghệ sĩ Ngọc Đáng (83 tuổi), khi ngồi tâm sự về cái thời hoàng kim đó vẫn kể với giọng hào sảng.

Rồi có lúc, bỗng dưng bà dừng lại, giọng trầm buồn: “Đã trót mang cái nghiệp này vào thân là chỉ biết đến sân khấu, đến khán giả mà nhiều khi quên lãng cả bản thân và gia đình mình. Bây giờ già rồi, thấy sàn gỗ không còn mà buồn tủi, mà tiếc ngẩn tiếc ngơ”.

Trước khi vào viện dưỡng lão, hầu hết những nghệ sĩ này hoặc nghèo, hoặc không nơi nương tựa, cũng có khi còn gia đình nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà không sống được.

Lý giải cho “cái sự nghèo” của mình, nghệ sĩ hài Trường Sơn tủm tỉm cười và nói: “Dân cải lương, sân khấu đa phần là người Nam bộ, trời ban cho tính khảng khái, nhất là nghệ sĩ thì càng… tài tử.

Đi diễn tuồng, được nhiều tiền nhưng có ai ky cóp cho riêng mình đâu. Hát được bao nhiêu đều chia nhau ăn uống, vui chơi. Đời nghệ sĩ mà, chủ yếu là vui thôi”.

Có nhiều người lang bạt kỳ hồ, rong chơi tới lúc bạc đầu thì mới giật mình nhận ra mình không có một mái nhà, điển hình như nghệ sĩ Ngọc Đáng. Nghệ sĩ Thiên Kim thì khác, có năm người con, trong đó có ba người làm ăn, sinh sống tại TP HCM, nhưng người nào cũng nghèo khó nên bà không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu.

Mặt khác, sống với chúng buồn hơn là sống ở mái nhà toàn nghệ sĩ này nên bà “xí phần” trong Viện Dưỡng lão Nghệ sỹ cũng được 11 năm nay. Hay như trường hợp nghệ sĩ Ngọc Đáng có hai con thì đều định cư ở nước ngoài. Dù những đứa cháu vẫn sinh sống ở TPHCM, kinh tế đều khá nhưng khi chúng tôi hỏi thì bà khẳng định “vào đây vui hơn”.

Con tằm trọn kiếp nhả tơ

Mỗi năm hai lần, vào dịp Tết và rằm Trung thu, Viện Dưỡng lão Nghệ sỹ lại tổ chức hát tuồng, cải lương, mà các đào chánh, kép phụ… chính là những ông lão, bà lão nghệ sĩ đầu đã bạc phơ. Chính điều này làm cho họ vô cùng hạnh phúc, cho họ sống lại quá khứ huy hoàng một thời, có người khi đóng không cầm được nước mắt sung sướng.

Nghệ sĩ Lệ Thẩm vui vẻ kể, Tết rồi, ca sĩ Mỹ Tâm cùng một số nghệ sĩ khác đã ghé thăm, tặng quà rồi chúc Tết các các nghệ sĩ nghèo tại Viện. Cô đã ôm đàn hát gần 3 giờ để chia sẻ, chung vui với các nghệ sĩ già, cô đơn.

Khi tâm sự với chúng tôi, ai cũng đau nỗi đau nghề khi nghệ thuật cải lương đang mai một dần. Nhưng đến giờ, vẫn còn những người nhớ đến cái Viện dưỡng lão nghệ sĩ này, âu cũng là niềm vui, niềm an ủi đối với họ.

Kể từ khi thành lập cho đến nay, Viện Dưỡng lão Nghệ sỹ đã đón tiếp hàng chục người nhưng trong số đó, có hơn 20 nghệ sĩ vì già yếu, bệnh tật đã qua đời.

Mỗi cuộc chia ly là biết bao nước mắt của những người ở lại rơi xuống. Dẫu biết “sinh lão bệnh tử” là quy luật tất yếu của cuộc đời nhưng ai cũng coi người vừa ra đi là một nỗi mất mát lớn lao, bởi lẽ họ đã quen biết, cùng chung tiếng hát lời ca gần như trọn vẹn một đời, coi nhau còn hơn anh em ruột thịt.

Lão nghệ sĩ hài Trường Sơn dẫn chúng tôi đi xem bàn thờ của những người nghệ sĩ quá cố. Trong số di ảnh dài của những nghệ sĩ qua đời, có di ảnh của cố nghệ sĩ Phùng Há, cây cổ thụ của sân khấu cải lương Nam bộ một thời.

Theo Quốc Định

Theo Gia Đình và Xã Hội
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.